GÓC NHÌN

Đề nghị bổ sung quy định về di sản văn hóa dưới nước
Ngày đăng 03/09/2024 | 12:07  | Lượt xem: 69

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, di sản văn hóa dưới nước là một bộ phận cấu thành của di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa Việt Nam nói riêng.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 cho ý kiến về các dự án Luật chuẩn bị trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đáng quan tâm, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã “bỏ quên” di sản dưới nước. Vì trước đây, Chính phủ từng ban hành Nghị định số 86/2005/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ di sản dưới nước, nhưng trong dự thảo Luật Di sản văn hóa lần này không thấy đề cập đến nội dung này.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, di sản văn hóa dưới nước là một bộ phận cấu thành của di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa Việt Nam nói riêng và đó là di sản văn hóa vật thể vì nhiều lý do khác nhau đang ở dưới nước và có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

UNESCO đã phê chuẩn Công ước 2001 về bảo vệ di sản văn hóa ở dưới nước và ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 86/2005/ND-CP về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, trên thực tế, Việt Nam đang sở hữu một khối lượng không ít di sản văn hóa đang ở dưới nước. Chúng ta đã có một số kết quả rất to lớn từ việc khai quật khảo cổ học ở dưới nước những năm 1997-1999 đối với con tàu đắm ngoài khơi Cù Lao Chàm và thu được nhiều hiện vật gốm sứ có giá trị.

Đến cuối năm 2023 việc khai quật con tàu bị đắm ở bờ biển Cẩm An, Hội An cũng phát hiện dấu vết cư trú của con người ở khu vực này, như các bộ phận của ghe thuyền, bánh lái, mỏ neo, các đồ gốm sứ. Hiện nay, nhiều hiện vật là di sản văn hóa ở dưới nước đã được phát hiện, khai quật, trục vớt và đang được trưng bày, phát huy giá trị tại một số bảo tàng, như Bảo tàng Lịch sử văn hóa Hội An hay trưng bày Chuyên đề "Gốm Chu Đậu", "Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm".

Đại biểu cho tằng, với đặc điểm địa lý của Việt Nam có trên 3.000 km bờ biển, trên 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn, nhỏ, gần và xa bờ, với khí hậu nhiệt đới gió mùa nhiều mưa bão, trên con đường hàng hải nối liền giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có vị thế đặc biệt trong giao lưu kinh tế và văn hóa với các nước thì Việt Nam cũng đã sớm tham gia vào con đường thương mại trên biển, vì vậy, tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước của Việt Nam rất lớn.

“Tôi đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm một điều quy định cụ thể về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước từ việc luật hóa quy định tại Nghị định số 86/2005/NĐ-CP. Đồng thời bổ sung quy định về thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản chìm, đắm là di sản văn hóa tại Điều 39 dự thảo Luật để đảm bảo cơ chế quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dưới nước.

Có như thế thì việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa mới thực sự toàn vẹn và không tạo thành khoảng trống, tránh được những hậu quả đáng tiếc, làm thất thoát và phá hủy di sản văn hóa”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn tỉnh Tây Ninh) cũng nhấn mạnh, di sản văn hóa dưới nước là một bộ phận cấu thành quan trọng của di sản văn hóa vật thể nói riêng và di sản văn hóa nói chung, bao gồm các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, các di tích, công trình xây dựng, địa điểm di tích, cổ vật ở dưới nước có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với các hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng ta nằm trong các vùng nước nội địa, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Vì vậy, nữ đại biểu đoàn Tây Ninh đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về di sản văn hóa dưới nước trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để có cơ sở pháp lý giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.

Phát biểu giải trình tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay, từ đầu dự thảo Luật có quy định 2 điều luật liên quan đến di sản văn hóa dưới nước, nhưng khi làm việc với cơ quan thẩm tra, với tinh thần những gì đã chín, đã rõ thì đưa vào luật, những gì chưa chín, chưa rõ tiếp tục nghiên cứu và nên đưa vào nghị định.

“Cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc, nên xem xét và đưa vào dưới dạng nghị định, chúng tôi thấy cũng hợp lý, đưa vào nghị định để sau này đầy đủ hơn, quá trình thực hiện chúng ta sẽ nâng lên thành các điều luật”, ông Hùng nói.

Mai Chi