GÓC NHÌN

Đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật
Ngày đăng 19/09/2024 | 23:15  | Lượt xem: 39

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là giáo dục đạo đức cách mạng, xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.

Tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2024, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn.

Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều dự án quan trọng về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo đẩy mạnh công tác rà soát, phát hiện, xử lý những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật có thể làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Chính phủ tiếp tục lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch; tăng cường công tác kiểm tra, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng chống tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Một số chủ trương, chính sách của Đảng chậm được thể chế hóa đầy đủ thành pháp luật. Chất lượng của một số văn bản còn hạn chế, thiếu tính ổn định; vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, bất cập, không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

“Thực trạng này là một trong các yếu tố dẫn đến khó khăn trong thực thi pháp luật; cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm; đồng thời có thể dẫn đến tình trạng cán bộ lợi dụng sơ hở của pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực”, Ủy ban Tư pháp cho biết.

Năm 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là giáo dục đạo đức cách mạng, xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bị xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao... Nhiều trường hợp vi phạm về trách nhiệm nêu gương xảy ra tại chính các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Cũng trong năm 2024, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện như thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế; còn nhiều trường hợp sau khi cơ quan điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ vẫn diễn ra.

Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn...

Từ thực tiễn này, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Khẩn trương nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, về xử lý vật chứng là tài sản và tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử...

Mai Chi