Giải Trí
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của nghi lễ Tết cung đình và phong tục dân gian truyền thống, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức chuỗi hoạt động Tết Nguyên đán tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long từ ngày 20/1 đến ngày 6/2/2025 (tức từ ngày 21 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 9 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Lễ dựng cây nêu tại Hoàng thành Thăng Long.
Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động là chương trình tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” – một nghi thức đặc biệt của Tết cung đình xưa. Hoạt động này diễn ra vào ngày 22/1/2025 (tức ngày 23 tháng Chạp âm lịch), với nhiều phần trình diễn mô phỏng lại các nghi lễ từng được thực hiện trong cung đình Thăng Long như lễ tiến lịch, lễ thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời, lễ dựng cây nêu, lễ đổi gác và lễ khai xuân. Đặc biệt, lễ tiến lịch và lễ đổi gác lần đầu tiên được tái hiện qua hình thức sân khấu hóa, dựa trên các tài liệu lịch sử và nghiên cứu chuyên sâu. Những nghi lễ này không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử mà còn phản ánh chiều sâu tư tưởng của người xưa về sự chuyển giao thời gian, gửi gắm ước nguyện một năm mới an khang, thịnh vượng.
Không gian Tết tại Hoàng thành Thăng Long còn tái hiện khung cảnh “Tết xưa – Tết thời bao cấp” qua các gian trưng bày đặc sắc, đưa khách tham quan trở về những năm 70, 80 của thế kỷ XX. Tại đây, hình ảnh những người xếp hàng mua hàng Tết bằng tem phiếu, túi hàng với hộp mứt, gói chè Ba Đình, thuốc lá Thăng Long và chai rượu chanh Thanh Mai hiện lên sống động. Các phong tục như gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, treo tranh Tết, chuẩn bị đồ lễ cúng ông Công ông Táo và giao thừa được tái hiện tỉ mỉ, giúp khách tham quan cảm nhận rõ nét tinh thần Tết truyền thống bất chấp những khó khăn của thời kỳ bao cấp.
Bên cạnh đó, triển lãm “Nghi lễ Tết cung đình ngày xuân” đã làm sống lại các nghi lễ quan trọng từng diễn ra trong hoàng cung thời Lý, Trần, Lê sơ và Lê Trung hưng. Những nghi lễ như lễ cúng Táo quân, lễ phất thức (lau rửa và niêm phong ấn), lễ tế tổ tiên, lễ Chính đán, lễ tế giao (tế trời), và lễ khai hạ (hạ cây nêu) đều được giới thiệu qua tranh vẽ, mô hình và tư liệu lịch sử. Những thông tin này không chỉ khơi gợi sự tò mò mà còn giúp du khách hiểu rõ hơn về ý nghĩa sâu sắc của mỗi nghi lễ, thể hiện sự kết nối giữa văn hóa cung đình và đời sống thường nhật của người dân.
Để tăng thêm sự hấp dẫn, chương trình còn tổ chức các màn múa rối đặc sắc từ ngày 30/1 đến 2/2/2025 (mùng 2 đến mùng 5 Tết âm lịch), cùng các không gian hoa và cây cảnh được bài trí rực rỡ khắp Khu di sản. Đây không chỉ là cơ hội để người dân Thủ đô và du khách tận hưởng không khí Tết cổ truyền, mà còn là dịp để giới trẻ tìm hiểu và tự hào về những giá trị văn hóa dân tộc.
Tết Nguyên đán – lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Việt – luôn mang ý nghĩa thiêng liêng, là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tại Thăng Long – Hà Nội, nơi được coi là trái tim văn hóa của cả nước, các nghi lễ Tết không chỉ đơn thuần là sự kiện tín ngưỡng mà còn phản ánh sự kết tinh giữa văn hóa dân gian và văn hóa cung đình qua hàng nghìn năm lịch sử. Chính vì vậy, chuỗi hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long không chỉ là dịp để người dân nhìn lại quá khứ mà còn là cơ hội để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền cảm hứng bảo tồn văn hóa cho các thế hệ mai sau.
Bảo Bình
thông báo
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô đã được ban hành
- Truyền thông, phổ biến các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Ất Tỵ 2025 và một số vấn đề dư luận quan tâm
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác tư pháp trên địa bàn Thành phố năm 2025
trao đổi kinh nghiệm
- Khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC khi cúng lễ, thắp hương, đốt vàng mã trong dịp Tết Nguyên đán 2025
- Cảnh báo lừa đảo khi đặt phòng khách sạn dịp nghỉ Tết Nguyên đán
- 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THP
- Cảnh báo sự cố cháy nổ từ các thiết bị điện gia dụng trong thời điểm cận Tết Nguyên đán 2025