Giải Trí

Ra mắt sách "Đôi bờ giới tuyến (1954-1967)" kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Genève
Ngày đăng 22/07/2024 | 05:44  | Lượt xem: 49

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Geneve (21/7/1954 – 21/7/2024) và 70 năm Giải phóng Vĩnh Linh (25/8/1954 – 25/8/2024), Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ra mắt cuốn sách Đôi bờ giới tuyến (1954 - 1967) của PGS.TS Hoàng Chí Hiếu.

Cuốn sách tái hiện các diễn biến nổi bật tại đôi bờ Hiền Lương - Vĩ tuyến 17 từ lúc đất nước bị chia cắt tạm thời (tháng 7/1954) đến lúc giải phóng hoàn toàn, chính thức xóa bỏ đường ranh giới chia cắt đất nước (năm 1967).

Đây là tâm huyết nghiên cứu của tác giả trong nhiều năm về khu phi quân sự ở đôi bờ giới tuyến. Sách dày 328 trang, gồm 2 phần chính, trong đó phần 1 là "Sự thiết lập giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự tại Vĩ tuyến 17 sau Hiệp định Genève 1954"; phần 2 "Đấu tranh Cách mạng ở khu phi quân sự - Vĩ tuyến 17 (1954 - 1967)".

Trong cuốn sách, PGS.TS. Hoàng Chí Hiếu đã bước đầu làm sáng tỏ sự kiện lịch sử nổi bật diễn ra tại khu vực đôi bờ giới tuyến được xem là "hình ảnh thu nhỏ" của nước Việt Nam trong thời kỳ 1954 - 1975, thời điểm mà bao người tập kết ra Bắc với lời hẹn hai năm sau sẽ trở về, bao gia đình lâm vào cảnh "chồng Bắc vợ Nam", "cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ"… Để vượt qua dòng sông rộng chưa đầy 100m, cả dân tộc phải trải qua cuộc trường chinh ròng rã, với bao mất mát hy sinh để cho Nam - Bắc sum họp một nhà.

Sau lần in năm 2014, ở lần tái bản này, tác giả tiếp tục bổ sung thêm một số kết quả nghiên cứu mới để người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh toàn cảnh của đôi bờ giới tuyến từ sau năm 1954.

Trong 21 năm đầy đau thương mà anh dũng ấy, ở đôi bờ Hiền Lương đã diễn ra cuộc đọ sức “không tiếng súng” nhưng không kém phần căng thẳng, quyết liệt trên nhiều lĩnh vực thậm chí đặc thù và “có một không hai” như đấu loa, đấu cờ, sơn cầu, công tác địch vận…

Vượt lên tất cả sự chống phá quyết liệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam của những người làm công tác bảo vệ giới tuyến cùng sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân Vĩnh Linh nói riêng, cả nước nói chung và bè bạn quốc tế đã giành ưu thế trước chế độ thuộc địa kiểu mới của Mỹ ở bờ Nam.

Tác giả cho rằng, có nỗ lực tập hợp bao nhiêu thông tin đi chăng nữa cũng không thể diễn tả hết hiện thực sống động và tầm vóc lớn lao của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Vẫn còn nhiều ẩn số tiếp tục cần giải mã và những sự kiện mà quân dân đôi bờ giới tuyến đã tạo ra trong thời kỳ 1954 - 1975.

Từ chia sẻ của tác giả Hoàng Chí Hiếu: “Lần giở và lắp ghép lại những mảnh vụn trong hồ sơ lưu trữ và ký ức của người thân, hiện lên trước mắt là hành trình của ông bà, bố mẹ tôi, cũng như bao người cùng thế hệ sinh ra và lớn lên trong khói lửa của cuộc chiến tranh cách mạng và cũng chính họ góp phần ít nhiều tạo nên những mảng màu của bức tranh lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX, mà ở đó, nỗi đau chia cắt chung của dân tộc thấm sâu vào nỗi đau riêng của từng gia đình”.

Tác phẩm gồm hai phần chính là Phần 1: Sự thiết lập giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự tại Vĩ tuyến 17 sau Hiệp định Genève 1954; Phần 2: Đấu tranh Cách mạng ở khu phi Quân sự - Vĩ tuyến 17 (1954-1967.

D.Hà