Giải đáp pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Tiền lương ngừng việc trong thời gian cách ly y tế
Ngày đăng 26/01/2022 | 20:08  | Lượt xem: 769

Công ty nơi em làm việc phát sinh một số ca dương tính với Sars-Cov-2, theo đó, một số người thuộc diện tiếp xúc gần (F1) phải cách ly y tế tại nhà.

Nếu không làm việc tại Công ty trong thời gian cách ly 14 ngày theo Quyết định của Chủ tịch UBND xã, những người này có được cơ quan trả lương, thưởng hay không? Vì gần Tết nguyên đán, liệu người đang phải cách ly đề nghị được tạm ứng tiền lương của tháng tới thì có được chấp nhận hay không?

Trả lời

Về nguyên tắc, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.

Thông tin của bạn được hiểu những người lao động phải ngừng việc trong thời gian cách ly y tế, theo Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019, họ sẽ được trả lương như sau:

“1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu”.

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra thuộc Danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Các hoạt động phòng, chống bệnh này được thực hiện theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao (thuộc nhóm A theo quy định tại Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007).

Chính vì vậy, trường hợp phải ngừng việc 14 ngày theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh Sars-Cov-2, người lao động được trả lương theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 như sau:

“a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV”.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Bạn không nói rõ Công ty nơi bạn làm việc thuộc địa bàn nào. Cho nên, bạn có thể tra cứu Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để xác định cụ thể mức lương tối thiểu được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Điều 104 Bộ luật Lao động quy định về việc thưởng như sau:

“1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Có nghĩa là, người sử dụng lao động căn cứ Quy chế thưởng đã được công bố công khai và kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc để thưởng cho người lao động. Nếu như hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đạt kết quả tốt, người lao động bị ngừng việc nhưng mức độ hoàn thành công việc được đánh giá đáp ứng quy chế thưởng, thì họ vẫn được Công ty xem xét thưởng bằng tiền, hiện vật hoặc hình thức khác. 

Tạm ứng tiền lương được quy định tại Điều 101 Bộ luật này. Cụ thể:

“1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ”.

Tóm lại, việc tạm ứng tiền lương do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, không bị tính lãi. Nếu không thuộc trường hợp người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên, người lao động nghỉ hằng năm thì về nguyên tắc, không phải nghĩa vụ của người sử dụng lao động.

Hùng Phi