lĩnh vực khác

Tái phạm là tình tiết tăng nặng khi xử phạt vi phạm hành chính
Ngày đăng 10/04/2024 | 21:28  | Lượt xem: 51

Thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt trước đó thì có phải là tái phạm hay không? Trường hợp nào bị xác định là tình tiết tăng nặng để quyết định xử phạt?

Trả lời

Vi phạm hành chính, theo khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, “là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính sẽ bị người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Về nguyên tắc, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

Khoản 5 Điều 2 của Luật này, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định: “Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó”.

Tái phạm là tình tiết tăng nặng, giống như vi phạm hành chính nhiều lần, vi phạm hành chính có tổ chức, xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm hành chính…

Hành vi vi phạm hành chính được xác định là tái phạm và là tình tiết tăng nặng nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt về cùng hành vi trước đó;

- Chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt.

Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7 của Luật này. Cụ thể:

“1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.

Tùy vào mức phạt trong quyết định để xác định cá nhân, tổ chức lại thực hiện hành vi vi phạm đã bị xử phạt có phải là tái phạm và là tình tiết tăng nặng hay không. Ví dụ, quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc quá 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác, cá nhân tổ chức mới lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt thì không phải là tái phạm.

Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, trừ trường hợp trong Luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc.

Điều 144 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn như sau:

“1. Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác.

2. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra”.

Thời hạn 01 năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày.

Thời điểm bắt đầu tính thời hạn, theo khoản 2 Điều 147 của Bộ luật này, “khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định”.

Kết thúc thời hạn, theo khoản 4 Điều 148 của Bộ luật này, “Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn”

Hùng Phi.