lĩnh vực khác

Gặp tai nạn, rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe khi đang thực hiện hòa giải thì có được hỗ trợ gì không?
Ngày đăng 26/03/2024 | 14:05  | Lượt xem: 30

Anh T và chị H kết hôn từ năm 2018, đến nay, vợ chồng đã có 02 đứa con. Những năm đầu, cuộc sống gia đình anh chị rất đầm ấm, hạnh phúc. Thế nhưng, một năm trở lại đây anh T thường xuyên về nhà muộn, hay đi tụ tập với bạn bè, bỏ bê việc nhà,

ít quan tâm đến gia đình. Thấy chồng mình thay đổi, chị H rất buồn, hai người thường xuyên cãi vã, lời ra tiếng vào, một hôm, mâu thuẫn đỉnh điểm hai anh chị xảy ra xô xát, đồ đạc trong nhà, nồi, niêu, bát đũa đều bị anh T đập phá, ném hết ra ngoài đường, khiến 02 đứa con hoảng sợ khóc ầm ĩ. Thấy vậy, bác Nam là thành viên tổ hoà giải cũng là hàng xóm ra khuyên can, không may trong lúc đến nhà để khuyên giải thì bị chiếc nồi do anh T ném đi trúng vào đầu bác, khiến bác Nam bị thương phải nhập viện. Gia đình bác Nam muốn biết, bác Nam có được Nhà nước hỗ trợ khi gặp tai nạn, rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe khi đang thực hiện hòa giải vụ việc trên hay không? 

Trả lời: 

- Điều 2 Luật Hòa giải quy định:

“1. Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.

2. Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố).

3. Các bên là cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.

4. Hòa giải viên là người được công nhận theo quy định của Luật này để thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

5. Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở cơ sở để hoạt động hòa giải theo quy định của Luật này”.

- Khoản 7 Điều 18 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định, như sau:

“Điều 9. Quyền của hòa giải viên

…7. Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải…”

- Điều 16 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, quy định về trường hợp hòa giải viên được hỗ trợ khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải như sau:

“1. Bị tai nạn hoặc rủi ro trong khi đang thực hiện hòa giải.

2. Bị tai nạn hoặc rủi ro trên đường đi và về từ nơi ở đến địa điểm thực hiện hòa giải trên tuyến đường và trong khoảng thời gian hợp lý”.

- Điểm b, c Khoản 17 Điều 3 Thông tư 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở:

“b) Hỗ trợ chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút đối với hòa giải viên bị tai nạn trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở (bao gồm cả trường hợp hòa giải viên bị tai nạn được cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc trước khi chết) được thực hiện như sau:

- Đối với người bị tai nạn có tham gia bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí y tế cho cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút đối với người bị tai nạn được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

- Đối với người bị tai nạn không tham gia bảo hiểm y tế ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút bằng mức hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế (được sửa đổi, bổ sung năm 2014);

c) Hỗ trợ thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đối với hòa giải viên bị tai nạn trong thời gian cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 09 tháng 7 năm 2013 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ, mức hỗ trợ người đang trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe”.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì bác Nam được Nhà nước hỗ trợ vì gặp tai nạn, rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe khi thực hiện hòa giải vụ việc.