Nghiên cứu, trao đổi về xử lý vi phạm hành chính và bồi thường nhà nước

Quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính từ thực tiễn thi hành trên địa bàn Hà Nội
Ngày đăng 24/04/2020 | 10:15  | Lượt xem: 3566

Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi phù hợp với thực tiễn thi hành.  

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính đã được quy định cụ thể trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (viết tắt XLVPHC). Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Bộ Tư pháp được giao trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các Bộ, ngành thực hiện nhiêm vụ phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong phạm vi quản lý của cơ quan mình; Ủy ban nhân dân các cấp quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương. Qua gần 8 năm thi hành, công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật XLVPHC đã góp phần tích cực trong việc đấu tranh, phòng chống VPHC trong tình hình mới, giúp cho các cá nhân, tổ chức hiểu rõ hơn về những hành vi VPHC, từ đó có những hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật. Đánh giá nhìn nhận từ thực tiễn làm công tác quản lý nhà nước về XLVPHCbài viết này tôi trao đổi một số khía cạnh từ góc độ  thực tiễn quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn Hà Nội như sau:

1. Cở sở pháp lý về quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính

 Khoản 5 Điều 7 Luật XLVPHC quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về thi hành pháp luật XLVPHC. Theo đó, Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương, có trách nhiệm sau đây: Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kịp thời cung cấp thông tin cho Bộ Tư pháp về xử lý vi phạm hành chính để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; định kỳ 06 tháng, hằng năm báo cáo Bộ Tư pháp về công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn.

Trên cơ sở quy định của Luật XLVPHC, Chính phủ đã quy định chi tiết nội dung quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với UBND các cấp tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP bao gồm: Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình; xử lý kỷ luật đối với người có sai phạm trong xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về xử lý vi phạm hành chính trong ngành, lĩnh vực do mình phụ trách theo quy định của pháp luật; trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, UBND các cấp thực hiện báo cáo công tác thi hành pháp luật về XLVPHC bao gồm các nội dung: đánh giá chung về tình hình vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý; đối tượng vi phạm; việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính; các loại hành vi vi phạm phổ biến; kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Tổng số tiền phạt thu được; số lượng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; số giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước quyền sử dụng có thời hạn; số vụ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn; số lượng quyết định xử phạt chưa được thi hành; số quyết định hoãn, giảm, miễn thi hành phạt tiền; số vụ bị cưỡng chế thi hành; số vụ bị khiếu nại, khởi kiện; việc thực hiện biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính nhắc nhở đối với người chưa thành niên vi phạm; số hồ sơ có dấu hiệu tội phạm được chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự; khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính; kiến nghị, đề xuất. Đối với UBND cấp tỉnh ngoài báo cáo các nội dung trên phải báo cáo nội dung về tình hình áp dụng biện pháp xử lý hành chính bao gồm: nhận xét, đánh giá chung về tình hình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại địa phương; số vụ bị khiếu nại, khởi kiện; số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và số lượng hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; số trường hợp áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên; số lượng đối tượng không xác định được nơi cư trú là người chưa thành niên hoặc người ốm yếu, không còn khả năng lao động được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội; khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị.

Thứ hai, thực hiện các nhiệm vụ thống kê trong phạm vi quản lý của địa phương là cơ sở để đánh giá tình hình, dự báo xu hướng vi phạm pháp luật hành chính, đề xuất giải pháp khắc phục, hoàn thiện chính sách, pháp luật, phục vụ công tác báo cáo thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính. Thông tin thống kê về xử lý vi phạm hành chính được thu thập theo quy định của pháp luật về thống kê.

Thứ ba, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ: đây là nhiệm vụ của các chủ thể có thẩm quyền bao gồm cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện các nội dung: nghiên cứu, biên soạn tài liệu; tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác xử lý vi phạm hành chính; tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân.

Thứ tư, tổ chức kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính định kỳ theo địa bàn, chuyên đề hoặc đột xuất khi có một trong các căn cứ sau: theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; theo đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; theo đề nghị của tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ trên cơ sở theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; theo đề nghị của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trên cơ sở theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; theo yêu cầu quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính; việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý liên ngành đang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập hoặc đối với vụ việc phức tạp. Nội dung kiểm tra bao gồm: tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính; công tác phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, bố trí nguồn lực và các điều kiện khác để bảo đảm cho việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi Bộ, ngành và địa phương; việc áp dụng các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; việc thực hiện chế độ thống kê về xử lý vi phạm hành chính; việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính và cung cấp thông tin để tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính

Thứ sáu, Tổ chức thanh tra theo kiến nghị của Sở Tư pháp hoặc khi có phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Việc phối hợp thanh tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện được thực hiện trong trường hợp có kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Thứ bảy, chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức, bố trí nguồn lực để triển khai việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Thứ tám, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương; chỉ đạo các sở, ban, ngành cung cấp thông tin để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính. Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Tư pháp.

2. Thực tiễn quản lý nhà nước về thi hành pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Theo Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về tổng kết thi hành Luật XLVPHC trên địa bàn thành phố Hà Nội ( Báo cáo số 216/BC-UBND ngày 31/7/2017áo cáo số 42/BC-UBND ngày 11/2/2019 về công tác thi hành pháp luật XLVPHC năm 2018, Báo cáo số 27/BC-UBND ngày 30/01/2020 về công tác thi hành pháp luật XLVPHC năm 2019) đã đánh giá thực tiễn quản lý nhà nước về thi hành pháp luật XLVPHC trên địa bàn Thành phố cụ thể như sau: 

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành: hàng năm UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch để tổ chức triển khai thi hành Luật XLVPHC trong đó chú trọng các nội dung: tổ chức tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ tham mưu và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; tổ chức kiểm tra thi hành pháp luật theo định kỳ tài các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã....trong đó, giao Sở Tư pháp là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, triển khai thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch hàng năm của Thành phố, các đơn vị, sở ban ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã ban hành văn bản hoặc kế hoạch triển khai tại đơn vị. Việc triển khai thi hành Luật luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố quan tâm nên đã đi vào nề nếp.

Thứ hai, ban hành văn bản quy định chi tiết: thực hiện Khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô, trên cơ sở quy định của Luật XLVPHC và các Nghị định hướng dẫn thi hành, ngày 11/7/2014, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND quy định về mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Ngoài ra thực hiện Thông tư 19/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ Tài chính, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND ngày 19/4/2019 quy định về thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ phức tạp để thực hiện nội dung chi hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Thứ ba, về công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên. Hàng năm trong kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố đều có nội dung liên quan đến xử lý vi phạm hành chính nhất là những lĩnh vực phát sinh nhiều vi phạm hành chính, những vấn đề nóng trong quản lý nhà nước. Hình thức phổ biến tuyên truyền phong phú đa dạng phù hợp với từng nhóm đối tượng trong xã hội như: In ấn  tài liệu tờ rơi, sách, tổ chức hội nghị, hội thảo, tăng cường  tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trên công/trang thông tin điện tử của các đơn vị, hệ thông loa truyền thanh ở cơ sở, video điện tử, qua tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp đặc biệt tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Xử lý vi phạm hành chính” trên địa bàn Thành phố với 212.728 bài dự thi..... Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong đó có quy định về XLVPHC như: chạy chữ trên truyền hình, đăng tải các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã. Các sở, ban, ngành và UBND quận, huyên, thị xã đã tổ chức tuyên truyền nội dung về xử lý vi phạm hành chính, đưa tin bài, tài liệu, giải đáp pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng chuyên mục an toàn giao thông phát tại các nút giao thông trọng điểm vào giờ cao điểm tất cả các ngày trong tuần….

Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hàng năm tổ chức tập huấn định kỳ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và cán bộ tham mưu thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính; tổ chức tọa đàm thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính một số chuyên đề cụ thể như: xây dựng, đất đai, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; …, đồng thời hướng dẫn nhiều vụ việc phức tạp cụ thể của các đơn vị trên địa bàn Thành phố …Các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã chủ động tổ chức tập huấn cho cán bộ công chức của đơn vị về Luật XLVPHC và các Nghị định xử phạt các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ...

Việc tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nghiệp vụ đã được tổ chức thường xuyên bằng nhiều hình thức từ khi Luật được Quốc hội thông qua, vì vậy Luật đã đi vào cuộc sống, nâng cao sự hiểu biết pháp luật trong đội ngũ cán bộ có chức năng và thẩm quyền xử phạt và cộng đồng dân cư về các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Thứ tư, công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã được các ngành các cấp trên địa bàn thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Việc kiểm tra thi hành pháp luật được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục; phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phát hiện các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Thứ năm, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử lý vi phạm hành chính đã được các ngành, các cấp thưc hiện nghiêm, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm. Các vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Thứ sáu, Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính đã được thành phố quan tâm, đặc biệt là Thành phố đã giao Sở Tư pháp thành lập phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và thi hành pháp luật với 7 cán bộ, công chức. Đối với cấp huyện, các Phòng Tư pháp đã bố trí từ 01 đến 02 cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ trong đó có đồng chí lãnh đạo phòng trực tiếp chỉ đạo công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính. Về cơ bản đội ngũ cán bộ công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính đều có trình độ chuyên ngành Luật nên đã đáp ứng được cơ bản nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn Thành phố.

Thứ bảy, về công tác báo cáo thống kê được thực hiện đảm bảo về nội dung và yêu cầu theo quy định.

3. Khó khăn, vướng mắc

 - Việc bố trí công chức làm công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính mặc dù đã được thực hiện nhưng hầu hết là kiêm nhiệm. Trình độ và kinh nghiệm của người có thẩm quyền xử phạt, cán bộ công chức tham mưu công tác xử phạt vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực còn hạn chế nên việc thiết lập hồ sơ xử phạt vẫn còn để xảy ra sai sót. Đội ngũ cán bộ thiếu tính ổn định nên ảnh hưởng đến chất lượng thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Phương tiện làm việc, trang thiết bị cho công tác xử phạt vi phạm hành chính nhất là cấp cơ sở còn hạn chế. Các điều kiện đảm bảo cho việc tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính là hàng hóa phải bảo quản (hàng hóa đông lạnh, dễ hư hỏng, vắc xin…) con giống, cây giống, phân bón thuốc trừ sâu… trên thực tế khi tạm giữ tang vật cơ quan xử phạt không có các phương tiện, địa điểm tạm giữ đảm bảo tiêu chuẩn.

- Công tác tuyên truyền đã được thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên do số lượng văn bản liên quan đến xử lý vi phạm hành chính nhiều, nội dung đa dạng, nên thời gian qua chỉ tập trung tuyên truyền, phổ biến, các quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính liên quan đến các lĩnh vực: xây dựng, đất đai, cư trú, giao thông, an ninh trật tự an toàn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề xã hội mới phát sinh .... mà chưa tuyên truyền được toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Đội ngũ báo cáo viên hầu hết là kiêm nhiệm, trình độ khác nhau, ít có báo cáo viên có trình độ tập huấn chuyên sâu về công tác xử phạt vi phạm hành chính nên hiệu quả chưa cao.

- Công tác kiểm tra, thanh tra về xử lý vi phạm hành chính mặc dù đã đươc thực hiện thường xuyên theo kế hoạch hàng năm, tuy nhiên việc kiểm tra theo chuyên đề còn ít. Việc theo dõi, thi hành, khắc phục các kết luận kiểm tra, thanh tra một số đơn vị, lĩnh vực còn mang tính hình thức nên hiệu quả của công tác này còn hạn chế.

- Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn Thành phố Hà Nội chưa triển khai được, nên việc cập nhật thông tin, thống kê về tình hình vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu tác nghiệp vào sổ thủ công, ảnh hưởng đến thời gian tổng hợp số liệu báo cáo.

- Việc phối hợp trong công tác xử phạt vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực chưa thực hiện tốt, đặc biệt là đối với những trường hợp phải chuyển hồ sơ cho các chủ thể có thẩm quyền xử phạt, dẫn đến quá thời hạn xử phạt phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

4. Đề xuất, kiến nghị

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính tôi xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, các cấp chính quyền cần tăng cường chỉ đạo, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác quản lý nhà nước xử lý vi phạm hành chính nhằm triển khai có hiệu quả các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính đặc biệt chú trọng các lĩnh vực phát sinh vi phạm phổ biến trong đời sống xã hội và những quy định mới. Đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng trong đó đặc biệt trú trọng và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính cần đi sâu kỹ năng nghiên cứu, áp dụng pháp luật để giải quyết các hồ sơ, vụ việc cụ thể về xử lý vi phạm hành chính. Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trang bị bổ sung cơ sở vật chất, các thiết bị, phương tiện kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng quy chế phối hợp trong công tác xử lý vi phạm hành chính giữa các cơ quan, ban, ngành, UBND xã, trong đó chú trọng đến sự phối hợp giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước với các cơ quan ngành dọc nhằm đảm bảo cung cấp các thông tin kịp thời, đầy đủ và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.

Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cán bộ, công chức được giao thực hiện công tác thi hành pháp luật về XLVPHC nhằm đưa công tác này vào nề nếp, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế; tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm, khảo sát thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Thứ tư, Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính để ứng dụng trong thực tiễn theo Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC.

Thứ năm, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi phù hợp với thực tiễn thi hành.  

Thứ sáu, xây dựng quy trình trình hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp vượt quá thẩm quyền để đảm bảo thống nhất của các sở, ban, ngành và UBND các cấp trên địa bàn thành phố.  

Kết luận: Quản lý thi hành pháp luật về XLVPHC là nhân tố quan trọng bảo đảm thực thi pháp luật XLVPHC nghiêm túc, thống nhất, chính xác, hiệu quả, bảo đảm đầy đủ các quyền quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo quy định của Hiến pháp. Theo đó, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý thi hành pháp luật XLVPHC kịp thời phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ có hành vi vi phạm, đồng thời giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Để nâng cao hiệu quả quản lý thi hành pháp luật về XLVPHC yêu cầu các cấp chính quyền phải có những giải pháp cụ thể trong đó yếu tố con người giữ vai trò quan trọng vì vậy cần phải nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý và bố trí đầy đủ cơ sở vật chất cho nhiệm vụ này, tăng cường sự phối hợp giữ các cơ quan trong quản lý nhà nước nhất là với các cơ quan ngành dọc đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời đầy, đủ chính xác. Bên cạnh đó việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo thống nhất, đồng bộ cũng là một trong những yêu cầu đặt ra để có công cụ thực thi pháp luật.

Khánh Linh