XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Xử phạt đối với hành vi không trang bị đủ số lượng áo phao cho khách du lịch
Ngày đăng 27/03/2020 | 16:41  | Lượt xem: 717

Công ty P chuyên kinh doanh vận tải du lịch bằng đường thủy nội địa. Qua kiểm tra phát hiện một thuyền chở khách ngang sông của công ty không trang bị đủ số lượng áo phao cho tất cả khách du lịch trên thuyền.

Công ty P có vi phạm quy định của pháp luật không? Nếu có sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Thông tư 15/2012/TT-BGTVT ngày 10/5/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách ngang sông:

“Điều 4. Trang bị và bố trí áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông

1. Phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, bảo đảm đáp ứng đủ số lượng cho tất cả mọi người được chở trên phương tiện (bao gồm hành khách, thuyền viên và người lái phương tiện).

2. Áo phao và dụng cụ nổi cá nhân sử dụng trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải bảo đảm chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quy định và được bảo quản khô ráo, sạch sẽ và bảo đảm tính năng an toàn kỹ thuật khi sử dụng.

3. Áo phao, dụng cụ nổi cá nhân phải được để ở chỗ thuận tiện, dễ nhìn thấy, dễ lấy và không làm che khuất tầm nhìn của người lái phương tiện thủy nội địa.”

“Điều 7. Trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông

1. Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện phải bảo đảm đầy đủ về số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

2. Thuyền viên, người lái phương tiện vận tải khách ngang sông có trách nhiệm:

a) Trước khi cho phương tiện rời bến phải phát cho mỗi hành khách đi trên phương tiện một (01) áo phao hoặc một (01) dụng cụ nổi cá nhân để sử dụng;

b) Hướng dẫn và yêu cầu hành khách trên phương tiện mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trong suốt hành trình của phương tiện.

3. Từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn.

4. Chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách.”

Công Ty P là chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông đã không trang bị đủ áo phao cho tất cả khách du lịch trên thuyền. Công ty đã vi phạm quy định không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trang bị áo phao của chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông theo quy định của Thông tư 15/2012/TT-BGTVT.

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, Hành vi vi phạm quy định về vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa được quy định như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vận tải khách du lịch không theo hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc với khách du lịch theo hành trình, tuyến đường du lịch.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không gắn biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch theo quy định.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có hợp đồng vận tải khách du lịch theo quy định;

b) Không trang bị đủ số lượng áo phao cho khách du lịch trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa theo quy định;

c) Không có bảng hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm và số điện thoại, địa chỉ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để tại vị trí ghế ngồi của khách du lịch đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa;

d) Không có biểu đồ hành trình tuyến du lịch đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa;

đ) Không có thùng chứa đồ uống đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa;

e) Không có thùng đựng rác đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa;

g) Không có dụng cụ chống nắng đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 20 ghế ngồi trở lên;

h) Không có micro đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 20 ghế ngồi trở lên;

i) Không đảm bảo yêu cầu của khu vực phục vụ dịch vụ ăn uống, khu chế biến (nếu có) theo quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 20 ghế ngồi trở lên;

k) Không có mái che đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 50 ghế ngồi trở lên;

l) Không có rèm cửa chống nắng đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 50 ghế ngồi trở lên;

m) Không có phòng vệ sinh đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 50 ghế ngồi trở lên.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nhân viên phục vụ khách du lịch không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định;

b) Sử dụng người điều khiển phương tiện vận tải khách du lịch và thuyền viên không bảo đảm theo quy định.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng biển hiệu vận tải khách du lịch trong thời gian từ

01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Đình chỉnh hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b và điểm m khoản 3 Điều này.”

Công  ty P đã vi phạm điểm b khoản 3 Điều 18 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.

Áp dụng khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại Điều 18 là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và Điều 23 Luật xử  lý vi phạm hành chínhMức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, công ty P sẽ bị áp mức phạt dành cho tổ chức là 8.000.000 đồng.

Ngoài ra theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 18 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, hành vi vi phạm của công ty P còn bị áp dụng hình phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng.

Phong Nguyễn