XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Ngày đăng 14/04/2020 | 17:23  | Lượt xem: 1530

Công ty TNHH sản xuất và thương mại nội thất LP bị lập biên bản về hành vi không duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống chiếu sáng sự cố theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 Nghị định 167/2013/NĐ-CP và hành vi xây tường ngăn cháy, vách ngăn cháy hoặc làm cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy khác không bảo đảm yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Tôi là cán bộ tham mưu giải quyết vụ việc, xin hỏi mức phạt đối với công ty LP như thế nào ? Chủ tịch UBND cấp phường có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc này không?

Trả lời

1. Xác định mức phạt áp dụng với công ty LP.

Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hai hành vi vi phạm của công ty LP được quy định như sau:

Hành vi thứ nhất vi phạm quy định khoản 3 Điều 34 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013:

“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống chiếu sáng sự cố;

b) Thay đổi thiết kế hoặc thay đổi kết cấu, thông số chủ yếu của hệ thống điện, thiết bị điện mà không được người hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

c) Lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện hoặc thiết bị đóng ngắt, bảo vệ hoặc thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy;

d) Sử dụng thiết bị điện quá tải so với thiết kế;

đ) Sử dụng thiết bị điện ở những nơi đã có quy định cấm.”

Hành vi thứ hai vi phạm khoản 2 Điều 37 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013:

“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi xây tường ngăn cháy, vách ngăn cháy hoặc làm cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy khác không bảo đảm yêu cầu theo quy định”

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại Nghị định là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và Điều 23 Luật Xử  lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức trung bình khung tiền phạt áp dụng với công ty LP với hành vi thứ nhất là 7.000.000 đồng và hành vi thứ hai là 7.000.000. Vậy tổng mức tiền phạt áp dụng với công ty là 14.000.000 đồng.

2. Thẩm quyền xử phạt 

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau: “b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng”.

Hành vi vi phạm của công ty LP thuộc lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy. Hiện nay, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đang được điều chỉnh tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy

Như vậy Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.

Theo Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì:

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại Luật này đối với chức danh đó.

………

2. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

……

4. Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.

Như vậy, thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt áp dụng đối với cá nhân cho một hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân. Đối với trường hợp của công ty LP, thẩm quyền của Chủ tịch UBND phường là 10.000.000 đồng đối với 1 hành vi vi phạm hành chính.

Công ty LP thực hiện 2 hành vi vi phạm hành chính trong cùng một lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, mỗi hành vi vi phạm bị phạt tiền 7.000.000 đồng (tổng mức phạt tiền cho 2 hành vi là 14.000.000 đồng) thì chủ tịch UBND phường có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Phong Nguyễn