XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Kinh doanh dịch vụ karaoke quá giờ quy định
Ngày đăng 27/03/2020 | 16:22  | Lượt xem: 3060

Hộ kinh doanh của anh T được cấp phép hoạt động kinh doanh karaoke. Do đông khách và phục vụ theo nhu cầu của khách nên cơ sở của anh T đã hoạt động đến 1 giờ sáng.

Xin hỏi hành vi của anh T có vi phạm pháp luật không? Hành vi của anh T thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường:

“Điều 7. Trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke

Ngoài trách nhiệm quy định tại Điều 6 Nghị định này, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh có trách nhiệm:

1. Bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

2. Không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 08 giờ sáng.”

Cơ sở kinh doanh của anh T hoạt động đến 1 giờ sáng là đã hoạt động vào khung giờ không được phép hoạt động.

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 21 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP; hành vi của anh T đã vi phạm quy định hoạt động karaoke quá giờ được phép, cụ thể:

“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán hoặc phổ biến tranh, ảnh, văn hóa phẩm khác có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy, truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam hoặc có nội dung đã có quyết định đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy của cơ quan có thẩm quyền;;

b) Hoạt động karaoke, quầy bar và các hình thức vui chơi giải trí khác quá giờ được phép.

c) Sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.”

Áp dụng khoản 2 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, quy định mức phạt tiền quy định tại Điều 17 Nghị định 158/2013/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và Điều 23 Luật xử  lý vi phạm hành chínhMức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức phạt đối với anh T. Anh T hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh, áp dụng mức phạt dành cho cá nhân với mức phạt là 7.500.000 đồng.

Phong Nguyễn