XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Không lập biên bản vi phạm hành chính nếu mức phạt thực tế đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức
Ngày đăng 06/04/2020 | 13:29  | Lượt xem: 7127

Tôi là công an xã được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra việc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Trong quá trình tuần tra, kiểm tra tôi phát hiện nhiều người dân đi ra đường nhưng không đeo khẩu trang. Hành vi này đã vi phạm quy định về thực hiện biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ là bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng.

Hành vi viphạm này sẽ bị áp dụng xử phạt hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Xin Anh/chị cho hỏi mức phạt trên có phải lập biên bản vi phạm hành chính không?

Trả lời

Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định những trường hợp không phải lập biên bản vi phạm hành chính cụ thể như sau:

Điều 56. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Theo quy định trên việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ không phải lập biên bản nếu áp dụng xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiến đến đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Tuy nhiên việc áp dụng mức phạt trên là mức phạt thực tế hay là mức tối đa của khung hình phạt thì trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định rõ ràng nên dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Để xác định mức tiền phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm phải căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính như sau: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”.

Do trong Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định cụ thể cơ sở pháp lý cách tính mức phạt, vì vậy để thống nhất cách hiểu trong trường hợp không lập biên bản vi phạm hành chính Bộ Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn số 353/QLXLVPHC&TDTHPL-XLHC ngày 03/8/2017  về việc thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có nội dung hướng dẫn áp dụng khoản 1 Điều 56 của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức được hiểu là mức phạt thực tế trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính (không phải mức phạt tối đa của khugn tiền phạt). Nếu mức phạt tiền trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì cơ quan người có thẩm quyền áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.

Căn cứ vào quy định trên thì tình huống bạn hỏi là hành vi vi phạm được áp dụng theo quy định điểm a  khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Mức trung bình khung áp dụng phạt thực tế đối với hành vi bạn nêu là 200.000 đồng nếu không có tình tiết tăng nặng, nếu có tình tiết giảm nhẹ bạn có thể áp dụng mức phạt là 100.000 đồng thì bạn không phải lập biên bản mà ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ, trong đó quyết định xử phạt phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt. Nếu hành vi bạn nêu có tình tiết tăng nặng mà bạn áp dụng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt là 300.000 đồng thì bạn phải lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 57, 58 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Khánh Linh