XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Đặt biển hiệu không đúng quy định
Ngày đăng 04/04/2020 | 16:42  | Lượt xem: 3181

Chị K triển khai hoạt động kinh doanh dịch vụ Spa, chị cho treo biển hiệu ngang cổng vào có khoảng cách thông thủy từ mép dưới biển xuống điểm cao nhất của mặt lối đi là 4 m. Việc đặt biển hiệu theo quy định của pháp luật như thế nào? Việc đặt biển hiệu của chị K có vi phạm quy định nào không? Hình thức xử phạt cụ thể áp dụng với chị K như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại mục 2.2.3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời”, mã số QCVN 17:2018/BXD; của Thông tư 04/2018/TT-BXD ngày 20/5/2018 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời”, mã số QCVN 17:2018/BXD:

“2.2.3  Đối với biển hiệu

2.2.3.1  Vị trí: treo/gắn/ốp sát cổng hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

2.2.3.2  Trường hợp biển hiệu treo ngang cổng hoặc lối vào phải đảm bảo khoảng cách thông thủy từ mép dưới biển xuống điểm cao nhất của mặt lối đi không nhỏ hơn 4,25 m.”

Như vậy, theo quy định trên thì biển hiệu cần được treo ngang cổng vào có khoảng cách thông thủy từ mép dưới biển xuống điểm cao nhất của mặt lối đi  không nhỏ hơn 4,25 m. Biển hiệu của chị K có khoảng cách thông thủy 4m. Việc đặt biển hiệu của chị K đã vi phạm quy chuẩn quốc gia  đối với biển hiệu.

Theo quy định Điều 66 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, và được sửa đổi bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP:

Điều 66. Vi phạm quy định về biển hiệu

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại;

b) Sử dụng biển hiệu có kích thước không đúng theo quy định, trừ trường hợp quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều này.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu;

b) Không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu;

c) Thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu;

d) Thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ nước ngoài có khổ chữ quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu;

g) Chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa;

b) Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng;

c) Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu làm mất mỹ quan.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tháo dỡ biển hiệu đối với hành vi quy định tại khoản 1, các điểm a, b, c, d và g khoản 2, khoản 3 Điều này.”

Hành vi đặt biển quảng cáo của chị K đã vi phạm điểm b khoản 1 Điều 66 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, và được sửa đổi bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP “ Sử dụng biển hiệu có kích thước không đúng theo quy định”

Áp dụng khoản 2 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại Điều 66 Nghị định 158/2013/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và Điều 23 Luật xử  lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức phạt đối với chị K là 7.500.000 đồng

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 66 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, và được sửa đổi bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP, chị K còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo dỡ biển hiệu.

Phong Nguyễn