TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM

Những việc cần làm để được mở lại khi bị khóa liên lạc chiều gọi đi
Ngày đăng 02/04/2023 | 05:06  | Lượt xem: 241

Nếu bị khóa liên lạc một chiều gọi đi do thuê bao chưa chuẩn hoá, chủ thuê bao có 15 ngày để cập nhật thông tin để được mở lại.

Khoảng 1,85 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin bị nhà mạng khóa trước 23h59 ngày 31/3 theo quy định.

 


Một người nhận được thông báo từ nhà mạng. Ảnh:Lưu Quý

Sau khi bị khóa liên lạc chiều gọi đi, chủ thuê bao cần cập nhật thông tin qua trang web, ứng dụng hoặc cửa hàng của nhà mạng trong vòng 15 ngày. Nếu không cập nhật, đến ngày 15/4, thuê bao sẽ bị khóa chiều gọi đến và đến ngày 15/5, số điện thoại bị nhà mạng thu hồi.

Khi bị khóa liên lạc một chiều, số điện thoại vẫn có thể gọi miễn phí lên tổng đài của nhà mạng để giải đáp hướng dẫn. Người dùng có thể tiếp tục thực hiện chuẩn hóa qua ứng dụng, nền tảng web hoặc trực tiếp tại cửa hàng để mở lại liên lạc. Tổng đài của VinaPhone: 18001091; Viettel: 198; MobiFone: 18001090.

Khi đã đến thời hạn khóa 2 chiều, khách hàng sẽ không thể tự cập nhật thông tin mà phải đến các điểm giao dịch, cửa hàng nhà mạng để được hỗ trợ. Ngoài ra nhóm thuê bao chưa chính chủ cũng không thể tự cập nhật mà phải đến trực tiếp cửa hàng để đăng ký lại thông tin thuê bao. Với sim điện thoại sau khi bị khóa chiều đi do chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khách hàng vẫn có thể thực hiện gọi miễn phí đến số tổng đài của nhà mạng để được giải đáp hướng dẫn.

Trước đó, một số nhà mạng đề nghị gia hạn thời gian khóa thuê bao. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên bố kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao từ ngày 31/3.

Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết việc cập nhật chỉ rộ lên đợt đầu khi các nhà mạng bắt đầu gửi tin nhắn, sau đó có dấu hiệu chững lại. Trước hạn cuối hai ngày, các điểm giao dịch của nhà mạng lại đang có dấu hiệu quá tải khi số người đến chuẩn hóa gấp 5-6 lần những ngày trước.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, khẳng định chỉ thuê bao nhận được tin nhắn mới cần đi cập nhật, do thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp sử dụng sim không chính chủ, đăng ký bằng giấy tờ cũ như chứng minh nhân dân nhưng khớp với cơ sở dữ liệu sẽ không thuộc diện chuẩn hóa đợt này. Tuy nhiên, nhà mạng khuyến khích người dùng chủ động kiểm tra thông tin, sử dụng sim chính chủ, chuyển sang số CCCD để có đầy đủ quyền lợi.

Việc chuẩn hóa thuê bao di động là một trong các hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Hoạt động này được đánh giá là cần thiết nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi dùng sim điện thoại không đúng quy định để lừa đảo, quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra, theo các nhà mạng, thông tin thuê bao chính xác giúp người dùng được hỗ trợ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi thông tin bị lợi dụng cho mục đích xấu.

THANH LAM