TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM
Các chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại và mạng xã hội Facebook thực chất đã xuất hiện từ vài năm trở lại đây nhưng nhiều người vẫn dĩnh bẫy do sự nhẹ dạ, cả tin của bản thân để rồi biến mình trở thành nạn nhân.
Mặc dù không mới nhưng vẫn các đối tượng lừa đảo dựng lại với kịch bản tinh vi hơn. Vậy làm thế nào để nhận biết các hình thức lừa đảo nhận quà trúng thưởng mà phòng tránh. Quà ảo, mất tiền thật. Bị lừa rồi thì lấy lại tiền bằng cách nào...?
Đánh vào lòng tham con người, các đối tượng lừa đảo đã tạo ra hàng loạt các trang web giả mạo, mạo danh các công ty/thương hiệu uy tín để đưa ra các chương trình trúng thưởng nhằm mục đích dụ dỗ người dùng cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, email, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, tài khoản ngân hàng/thẻ tín dụng,… cho chúng.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn khiến các nạn nhân tin rằng họ đã trúng xổ số hoặc một giải thưởng lớn nào đó, sau đó dẫn dụ họ chuyển tiền hoặc thông tin cá nhân để lĩnh giải. Nếu mắc bẫy, nạn nhân sẽ mất tiền và bị lộ thông tin nhạy cảm.
Các quảng cáo trúng thưởng hấp dẫn với các phần quà giá trị như xe máy, điện thoại, tivi,… thường được gửi thông qua tin nhắn điện thoại hoặc các ứng dụng nhắn tin trực tuyến như Messenger, Zalo, Telegram,… kèm theo một đường link lạ để truy cập vào trang web lừa đảo. Để nhận thưởng, người dùng được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân thông qua việc điền form đăng ký nhận quà trên trang web này
Sau khi cung cấp thông tin, người dùng có thể nhận được các cuộc gọi hoặc tin nhắn để xác minh về thông tin nhận thưởng, và được yêu cầu chuyển một số tiền đến tài khoản được chỉ định là tiền phí vận chuyển hoặc tiền cọc để nhận phần thưởng, thậm chí các đối tượng còn cam kết sẽ hoàn lại tiền này sau khi người dùng đã nhận được phần thưởng.
Giao diện một trang web lừa đảo trả thưởng.
Nếu nhẹ dạ cả tin làm theo yêu cầu của các trang web lừa đảo này, người dùng sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân và có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tiền mà không nhận được bất ký phần thưởng nào như đã quảng cáo. Việc để lộ thông tin cá nhân còn có thể dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng hơn như bị mạo danh để thực hiện các hành vi lừa đảo; hay bị lừa đảo chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử,…
Trước những chiêu trò lừa đảo đang ngày càng phổ biến và tinh vi, người dân cần chủ động nâng cao hiểu biết và cảnh giác của mình đối với các hình thức tấn công lừa đảo qua mạng, đồng thời tuyên truyền, chia sẻ đến mọi người xung quanh để bảo vệ cho bản thân và người thân của mình.
Theo đó, thông báo “Thắng giải”. Đối tượng lừa đảo tiếp cận các nạn nhân và tuyên bố rằng họ đã thắng một số tiền lớn trong trò xổ số hoặc rút thăm trúng thưởng mà họ chưa từng tham gia. Đối tượng lừa đảo gửi các tài liệu giả mạo như thật để nạn nhân tin tưởng.
Tạo cảm giác cấp bách. Kẻ lừa đảo lợi dụng sự phấn khích của nạn nhân bằng cách nói rằng giải thưởng chỉ có hiệu lực trong khoảng thời gian ngắn và nạn nhân cần tiến hành các thủ tục để nhanh chóng nhận được tiền.
Yêu cầu thông tin cá nhân. Kẻ lừa đảo yêu cầu thông tin nhạy cảm như chi tiết tài khoản ngân hàng và tài liệu cá nhân, tuyên bố rằng thông tin đó là cần thiết cho việc xử lý tiền trúng xổ số.
Yêu cầu phí trả trước. Đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân phải trả phí dưới danh nghĩa phí xử lý hồ sơ hoặc phí pháp lý. Nạn nhân được hướng dẫn gửi tiền thông qua chuyển khoản ngân hàng, thẻ quà tặng trả trước hoặc các phương thức không thể truy vết khác. Một khi nạn nhân đã gửi tiền đi thì gần như không thể lấy lại được.
Chặn liên lạc, xóa dấu vết. Nạn nhân không bao giờ nhận được số tiền thắng giải như được hứa hẹn và kẻ lừa đảo sẽ chặn số điện thoại hoặc xóa tài khoản trên mạng xã hội khiến nạn nhân không thể liên lạc được.
Để tạo niềm tin cho người nhận, trong tin nhắn, các đối tượng lừa đảo không quên nhắm thêm nội dung cảnh báo nói đây là tin nhắn chính xác được xác nhận từ hệ thống và đề nghị bạn không cung cấp mã trúng thưởng cho bất kỳ ai.
Nếu làm theo hướng dẫn của hệ thống, bạn sẽ phải truy cập đường link theo tin nhắn, cung cấp thông tin cho hệ thống và chuyển tiền một số tiền nhất định coi như tiền thuế để hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Ngay sau khi chuyển tiền xong, bạn sẽ không thể nào liên hệ được với số liên hệ của bên kia, đồng thời tài khoản báo trúng thưởng cũng sẽ chặn luôn Facebook của bạn.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân luôn cảnh giác với những đề nghị chuyển tiền từ những đối tượng liên hệ qua mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin nhạy cảm như tên tuổi, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, mã OTP khi đối tượng yêu cầu. Nếu phát hiện bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Do không biết chính xác bên lừa đảo là ai, địa chỉ ở đâu nên phát hiện mình bị lừa đảo bạn không thể tự lấy lại tiền bị lừa được. Nếu không may trở thành nạn nhân, việc bạn cần làm là thu thập thông tin đã trao đổi với đối tượng lừa đảo như tin nhắn điện thoại, ghi âm cuộc gọi, thông tin số điện thoại, tài khoản Facebook, sao kê thông tin chuyển khoản ngân hàng.
Sau đó, đem tất cả những bằng chứng đó đến công an xã, phường nơi mình đang cư trú để trình báo về tội phạm lừa đảo.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tố giác lừa đảo thông qua đường dây nóng hoặc các trang thông tin do bên công an cung cấp:
- Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Cục Cảnh sát hình sự: 069.219.4053.
- Công an Thành phố Hà Nội: https://www.facebook.com/ConganThuDo
- Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/
- Công an thành phố Hồ Chí Minh: 08.3864.0508.
D.Hà
thông báo
- Kế hoạch Tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành
- “Công dân Thủ đô số” – iHanoi: Kênh tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với Chính quyền Thủ đô các cấp
- Tài liệu sơ kết 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác phổ biến giáo dục pháp luật 6 tháng cuối năm 2024