TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM

Cảnh báo: Dụ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, rủ thêm người hút được tặng tiền
Ngày đăng 29/03/2023 | 08:00  | Lượt xem: 75

Công an quận Hoàn Kiếm vừa có thông báo gửi các cơ sở giáo dục. Thông báo nêu rõ: “Trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đã xuất hiện một số đối tượng mang thuốc lá điện tử đến mời gọi trẻ em sử dụng với chiêu trò rủ thêm người hút sẽ được tặng tiền.


Việc dụ dỗ học sinh này tuy mới chỉ diễn ra ở khu vực ngoài trường học nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho học sinh.
Công an quận Hoàn Kiếm thông báo và  đề nghị các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo cho phụ huynh học sinh để quan tâm nhắc nhở các con nêu cao cảnh giác; các con không nhận bất kỳ đồ vật nào từ người lạ, nhất là đồ ăn, hút, ngửi.
Nếu có trường hợp nghi vấn nào xuất hiện ở khu vực gần cổng trường, rất mong nhận được sự thông báo của nhà trường cho cơ quan công an”.

Cảnh báo khẩn cấp: Hút thuốc lá điện tử mỗi ngày, cô gái nguy kịch - Ảnh 1.

Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật và có thể tử vong

Sau khi nhận được thông tin trên, các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã lập tức gửi thông báo đến các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, đề nghị các thầy cô giáo gửi và phổ biến nội dung này đến phụ huynh; mặt khác cũng tiếp tục tuyên truyền, làm công tác tư tưởng với học sinh để nâng cao cảnh giác.
Thời gian gần đây, tại Hà Nội cũng như trên nhiều địa phương cả nước xuất hiện các loại tội phạm lừa đảo qua điện thoại với thủ đoạn “con đang cấp cứu”, “con nợ tiền hàng” hoặc người thân bị tai nạn và nhờ đến đón...nhằm mục đích lừa đảo, bắt cóc trẻ em.
Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, các đơn vị chức năng và nhà trường đã đồng loạt phát đi thông tin nhận diện về thủ đoạn phạm tội của các đối tượng để phụ huynh và học sinh nâng cao cảnh giác, tránh sập bẫy lừa đảo.
Ngoài công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm thì phòng chống thuốc lá điện tử trong môi trường học đường cũng là một trong những nội dung được ngành GD&ĐT lưu ý thực hiện trong kế hoạch giáo dục. 
Có thể thấy, đây không phải lần đầu tiên ghi nhận các đối tượng xấu sử dụng chiêu trò để lôi kéo, dụ dỗ học sinh hút thuốc lá điện tử. Câu chuyện này lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo phụ huynh và nhà trường trong việc theo dõi và nhắc nhở con em mình cảnh giác trước các đối tượng xấu.
Theo Thiếu tá Ngô Quốc Khánh thuộc Đội tham mưu, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC04), Công an TP.Hà Nội, việc học sinh lạm dụng thuốc lá điện tử dễ có nguy cơ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo vào mục đích xấu.
Thứ nhất, các đối tượng lôi kéo sử dụng để trục lợi, khi đã nghiện rồi thì bắt buộc phải mua tinh dầu ma túy.
Thứ hai, khi nạn nhân đã nghiện thì các đối tượng sẽ khống chế tinh thần, ép buộc tham gia vào các hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Thứ ba, sau khi sử dụng và gây ảo giác, các bạn nữ có thể bị lạm dụng tình dục; các bạn nam có thể bị lôi kéo vào những hành vi xấu, gây rối trật tự, đi gây án hình sự…
Thiếu tá Ngô Quốc Khánh cho rằng việc học sinh sử dụng thuốc lá điện tử có tác hại rất lớn, các em chưa đủ phát triển về tâm sinh lý, chưa đủ tuổi để sử dụng theo quy định của luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Để nhận diện trẻ dùng thuốc lá điện tử, TS.BS. Ngô Anh Vinh - Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (BV Nhi TW) cho biết, trẻ có thể có các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi. Trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.
Ngoài ra, cha mẹ lưu ý thấy những vật lạ trong nhà như thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ như mùi cam, bạc hà, chanh,… Nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử...
Theo TS.BS. Ngô Anh Vinh, để ngăn chặn thuốc lá điện tử tiếp cận với lứa tuổi học trò, vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng. Đối với gia đình, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
Đối với nhà trường, cần giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.ác đối tượng mang thuốc lá điện tử đến mời gọi trẻ em sử dụng với chiêu trò rủ thêm người hút sẽ được tặng tiền.
BÌNH LIÊN