tin tức pháp luật và doanh nghiệp
Nghiên cứu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc khai thác phát triển các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng, có nguồn gốc địa phương, đặc sản vùng miền dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên
Tăng cường lồng ghép chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn là một trong những giải pháp thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt tại Quyết định 3222/QÐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 10 năm 2024.
Với quan điểm phát triển du lịch cộng đồng gắn với thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội; Huy động các nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển tại các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo; lồng ghép với các nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về: xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021- 2025; Định hướng phát triển hình thức du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hoá, tiến tới hình thành Làng nghề du lịch cộng đồng…, Giải pháp “Tăng cường lồng ghép chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn” được đặt ra với những nội dung cụ thể như sau:
- Nghiên cứu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc đầu tư hỗ trợ khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển hoạt động du lịch cộng đồng được cụ thể hóa tại Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghiên cứu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải… để hỗ trợ phát triển tại các điểm du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.
- Nghiên cứu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc khai thác phát triển các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng, có nguồn gốc địa phương, đặc sản vùng miền dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa để phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
- Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển du lịch cộng đồng trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường phân cấp trong hệ thống hành chính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ.
- Nghiên cứu một số chính sách khác liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Quyết định 3222/QÐ-BVHTTDL 2024 Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Thúy Mơ