tin tức pháp luật và doanh nghiệp

Định hướng, nhiệm vụ phát triển chip chuyên dụng theo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
Ngày đăng 09/10/2024 | 07:21  | Lượt xem: 178

Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, đại diện là chip đa dụng thì với CMCN 4.0 là chip chuyên dụng. Các nước đi sau trong công nghiệp bán dẫn phải đi từ chip chuyên dụng.

Phát triển chip chuyên dụng là một trong số các nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra tại Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 cuả Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg 1018/QĐ-TTg

Tại Chiến lược này, định hướng chip chuyên dụng được hoạch định như sau:

-CMCN 4.0 liên quan tới các công nghệ cốt lõi về AI, IoT và tự động hoá công nghiệp. Các ứng dụng này đòi hỏi hiệu suất tính toán rất cao, khả năng xử lý dữ liệu lớn, thời gian phản hồi nhanh. Chip chuyên dụng được thiết kế để tối ưu hoá những nhu cầu này, giúp đạt hiệu suất cao hơn các chip đa dụng. Ngoài ra, để đáp ứng các yêu cầu chuyên dụng, cụ thể như: yêu cầu về tiêu thụ nguồn thấp cho IoT, tính năng bảo mật cao cho các hệ thống công nghiệp trọng yếu quốc gia, các yêu cầu riêng biệt cho các lĩnh vực như viễn thông, y tế, giao thông, năng lượng đều cần đến chip chuyên dụng.

-Chip đa dụng khi áp dụng vào các ứng dụng chuyên dụng sẽ không dùng hết công suất, gây lãng phí, nhất là về nguồn điện, giá thành cao. Chip đa dụng thường chỉ có một số ít hãng sản xuất. Chip chuyên dụng rất đa dạng, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy đổi mới công nghệ.

-Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, đại diện là chip đa dụng thì với CMCN 4.0 là chip chuyên dụng. Các nước đi sau trong công nghiệp bán dẫn phải đi từ chip chuyên dụng.

Trên cơ sở định hướng nói trên, nhiệm vụ phát triển chip chuyên dụng được đề ra như sau:

- Nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới thông qua đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu công nghệ lõi về bán dẫn, tập trung vào các lĩnh vực như chip AI, chip IoT; có cơ chế hỗ trợ cùng chia sẻ, dùng chung một số cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu; mở rộng nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ ở cấp quốc gia, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn.

- Phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn trong nước, kết nối với hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn của các đối tác chiến lược; xây dựng nền tảng, công cụ dùng chung phục vụ khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo chuyên gia, thiết kế, phát triển chip bán dẫn; thúc đẩy phát triển, sử dụng chip chuyên dụng trong một số ngành, lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tự động hóa, điện tử tiêu dùng, công nghiệp chuyển đổi số, ...

- Xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính đặc biệt của nhà nước để đầu tư xây dựng 01 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip bán dẫn.

- Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu đào tạo đặt hàng sản xuất chip bán dẫn theo mô hình tập trung (Multi Project Wafer) để tiết kiệm thời gian, chi phi chế tạo, khuyến khích các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các hội, hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo đúng lộ trình và thẩm quyền được xác định tại Chiến lược.

Quyết định 1018/QĐ-TTg được ban hành ngày 21 tháng 9 năm 2024.

Mạnh Cường