TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau “trạng thái bình thường mới”
Ngày đăng 06/07/2020 | 16:09  | Lượt xem: 433

Tại kỳ họp lần thứ 15, HĐND TP khóa XV diễn ra sáng nay 6/7, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản đã trình bày báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Thành phố đã thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch, vừa duy trì và phát triển KT-XH. Lãnh đạo Thành phố đã tích cực làm việc với các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách; đồng thời, chỉ đạo sâu sát các Sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã những giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng với quyết tâm là địa phương tiên phong, đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP. Hà NộiẢnh: Gia Huy

 

Sau khi giảm sâu nhất vào tháng 4, từ tháng 5, 6, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với tháng trước; sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39% - mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước. Cụ thể các nhóm ngành như sau: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,61% (quý I giảm 1,17%; quý II tăng 3,57%); Công nghiệp - Xây dựng tăng 5,94% (quý I tăng 6,06%, quý II tăng 5,84%); Dịch vụ tăng 2,59% (quý I tăng 3,13%, quý II tăng 2,08%); Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 3,91% (quý I tăng 4,31%, quý II tăng 3,52%).

Tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt 142.013 tỷ đồng, đạt 50,9% dự toán, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngưng trệ; kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 6,75 tỷ USD, giảm 6,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,71 tỷ USD, giảm 9,2%. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 152,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9%. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 3.608 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm; dư nợ tín dụng 2.172 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm.

Để đạt được mức tăng trưởng trên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Tổ chức thành công Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Đã khẩn trương rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% của cả nước.

Đáng chú ý, thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển” (ngày 27/6) ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới”. Đây là hội nghị quy mô lớn, chưa từng có trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tại Hội nghị đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Tổng số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016. Thành phố cùng các nhà đầu tư cũng đã ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD.

Thành phố cũng thực hiện chi trả lương hưu, hỗ trợ cấp bảo hiểm xã hội đến tận nhà cho 560.000 người xong trước ngày 10/5/2020; chi trả hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người có công, người tàn tật, người già đã xong từ ngày 2/5 với kinh phí 474,2 tỷ đồng. Hiện đang tiếp tục triển khai hỗ trợ giai đoạn 2 cho số lao động tự do, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đã hỗ trợ với kinh phí 495,6 tỷ đồng…

Quản lý đô thị được đẩy mạnh. Đặc biệt,thành phố đã quyết liệt xử lý nghiêm vi phạm tại công trình 8B Lê Trực và các vi phạm trật tự xây dựng kéo dài gây bức xúc dư luận. Tiếp tục mở rộng diện tích cây xanh. Công tác chiếu sáng, chỉnh trang đường phố tiếp tục được đổi mới. Cung cấp nước sạch, thoát nước và vệ sinh môi trường được duy trì, nâng cao chất lượng. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè giảm cơ bản. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai tích cực.

Các hoạt động văn hóa, giáo dục tiếp tục được duy trì. Khiếu nại, tố cáo được tập trung giải quyết. Công tác quốc phòng, được củng cố; an ninh chính trị, trật tự án xã hội được đảm bảo. Đối ngoại tiếp tục được mở rộng.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số khó khăn, tồn tại cần được quan tâm khắc phục như: Kinh tế duy trì tăng trưởng, tuy nhiên đạt thấp hơn so với cùng kỳ do tác động của dịch Covid-19, tạo áp lực lớn đối với các cân đối lớn và hoàn thành mục tiêu phát triển KTXH năm 2020. Số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ động ngân sách được tích cực triển khai, tuy nhiên nợ đọng ngân sách vẫn còn lớn. Tỷ lệ cấp đất dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra. Các hoạt động văn hóa, xã hội bị dừng trong thời gian dài do thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Tình hình tội phạm chuyển biến tích cực song vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Số vụ vi phạm về ma túy, môi trường vẫn cao; nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn, nhất là thời gian nắng nóng cao điểm.

Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước, thành phố đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng. Với kịch bản 1, GRDP cả năm của Hà Nội sẽ đạt 5,9% (gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng của cả nước là từ 4,4 đến 5,2%). Với kịch bản 2, GRDP cả năm của Hà Nội sẽ đạt 5,4% (gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng của cả nước là từ 3,6 đến 4,4%).

Cùng với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, thành phố sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm phục phồi phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể là tích cực tháo gỡ khó khăn, đối thoại và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, quyết toán điện tử. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, chú trọng các dự án lớn để tập trung hoàn thành thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án. Tiếp tục chỉ đạo rà soát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện về thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp đã được duyệt, sớm có mặt bằng thu hút doanh nghiệp trong nước và đón làn sóng đầu tư nước ngoài vào sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Xây dựng và tổ chức hiệu quả các chương trình lớn về kích cầu tiêu dùng nội địa: Hội chợ vàng hàng xuất khẩu Việt Nam; Hội chợ đặc sản vùng miền; Hội chợ hàng hóa vì người tiêu dùng...

Đẩy mạnh hợp tác toàn diện, mở rộng không gian liên kết kinh tế vùng; htực hiện tốt việc kết nối cung - cầu hàng hóa; xây dựng và tổ chức hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, xúc tiến du lịch; phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp về du lịch, các địa phương xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa; tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới về du lịch, về hình ảnh thành phố Hà Nội thân thiện, an toàn, có trách nhiệm gắn với các kết quả tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tăng cường chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học. Đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội...

 

Hà Nguyên