TIN MỚI
Ngày 15/3, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng Thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô".
Ngày 15/3, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng Thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô". Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và khán giả đã thảo luận, đóng góp nhiều ý trách nhiệm, tâm huyết đối với dự án Luật.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được nghiên cứu xây dựng với 9 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính đặc thù, vượt trội, khả thi, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm.
Cụ thể gồm: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Nhìn từ góc độ thực tiễn, Tiến sỹ Dương Thị Thanh Mai - nguyên chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp cho rằng, rất cần trao quyền cho chính quyền Thành phố được điều chỉnh, quyết định một số vấn đề nhất định như tự quyết định biên chế cho các cơ quan của Thành phố và các quận, huyện trên cơ sở tổng biên chế được giao; giao quyền cho người đứng đầu có thể chủ động ký hợp đồng lao động ở các vị trí có nhu cầu, thậm chí người đứng đầu có thể chọn cấp phó của mình; tạo cơ chế sự thống nhất về công chức từ cấp xã đến thành phố...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng chính quyền Thủ đô phải được trao thẩm quyền tương xứng để huy động được nguồn lực cho phát triển, có chính sách hợp lý để duy trì được đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng tốt, gánh vác được công việc khó...
Cũng theo ông Cương, Thủ đô Hà Nội rất đặc biệt so với Thủ đô các nước, đó là Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn về văn hóa với 5.922 di tích, có thể nói mỗi tấc đất ở Thủ đô là câu chuyện về văn hóa và nhóm chính sách về văn hóa cần được coi trọng, cần làm thế nào để khai thác, đánh thức được các giá trị đó, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa...
Nhấn mạnh Thủ đô là trung tâm kinh tế với đóng góp 19% GDP, 16% ngân sách của cả nước, Tiến sỹ Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam (tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách và quản trị dự án) cho rằng, Hà Nội không chỉ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước, mà còn có tác động lớn với các tỉnh, thành lân cận. Để phát triển bứt phá, theo ông Bình, Thủ đô cần được sử dụng một số nguồn lực hiện có như kết dư ngân sách năm trước, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, được vay vốn ODA, vốn đầu tư nước ngoài cho các công trình trọng điểm, vay từ nguồn khác từ sự bảo lãnh của Chính phủ, được sử dụng tài sản công hiện chưa được sử dụng hiệu quả...
Với đề xuất Thủ đô được nâng mức tiền phạt với vi phạm trong ba lĩnh vực quảng cáo, phòng cháy, chữa cháy và an toàn thực phẩm, Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam cho rằng, thời gian qua, số vụ vi phạm trong ba lĩnh vực này tăng rất mạnh. Ví dụ về phòng cháy, chữa cháy, tính từ 2016-2020, toàn Thành phố đã xảy ra 3.500 vụ cháy, nổ có ảnh hưởng khá lớn, 6.000 vụ cháy nổ nhỏ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh...
Ông Quang cho rằng, thực tế có những quyết định tăng mức phạt được người dân ủng hộ như Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông. Với đề xuất cho phép Thành phố tăng mức phạt với ba lĩnh vực trên, đối tượng chịu sự điều chỉnh là những người vi phạm, chứ không ảnh hưởng đến phần lớn người tuân thủ pháp luật, nên người dân cần ủng hộ để góp phần làm cho Thủ đô văn minh hơn.
Mai Chi
thông báo
- Kế hoạch Tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến" trên địa bàn Thành phố
- Kế hoạch tổ chức cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" trên địa bàn thành phố Hà Nội