TIN MỚI
Ngày 18/11, tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội (số 28 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức triển lãm giao lưu giới thiệu các tác phẩm gốm nghệ thuật tiêu biểu đại diện 2 dòng gốm của Việt Nam.
Triển lãm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị nghề thủ công truyền thống, quảng bá văn hóa địa phương, nằm trong khuôn khổ hướng đến Lễ kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11.2005 - 23.11.2023).Triển lãm gốm thủ công truyền thống giới thiệu các tác phẩm gốm nghệ thuật 'be chạch' Bát Tràng và gốm mỹ nghệ Trường Thịnh, tỉnh Phú Yên.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho hay: chào mừng kỷ niệm 18 Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và hưởng ứng Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức gần 20 sự kiện, hoạt động văn hóa trong khu phố cổ. Triển lãm này là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động với mong muốn sẽ lan tỏa giá trị văn hóa để người dân và công chúng hiểu hơn về di sản văn hóa mà cha ông để lại…
Nghệ nhân gốm Nguyễn Trường Sơn làng nghề Bát Tràng trình diễn kỹ thuật làm gốm.
Nghề gốm đã có lịch sử hình thành lâu đời tại Việt Nam. Trải qua thời gian, các sản phẩm gốm Việt luôn có sắc thái riêng, đặc trưng riêng của làng nghề và phản ánh được quan niệm thẩm mỹ của tác giả.
Trong quy trình làm gốm của người Bát Tràng, có một kỹ thuật thủ công cơ bản là “be chạch”, thường được dùng để tạo hình các sản phẩm có kích thước lớn.
Với những nghệ nhân lớn tuổi ở làng Bát Tràng, kỹ thuật “be chạch” vốn không xa lạ, nhưng nay không còn nhiều người làm bởi sự xuất hiện bàn xoay điện tử và các dây chuyền sản xuất hàng loạt.
“Be chạch” vốn là cách làm thủ công, cho năng suất thấp, vì thế, dần mai một. Tuy nhiên, kỹ thuật này nay đã được nghệ nhân trẻ Nguyễn Trường Sơn sử dụng, đồng thời anh đưa vào câu chuyện cũ một góc nhìn mới, để rồi tạo ra dòng gốm thủ công độc bản mang bản sắc Việt.
Triển lãm cùng các sản phẩm gốm “be chạch” Bát Tràng lần này là các sản phẩm đến từ làng gốm Trường Thịnh ở xã Hòa Vinh, Đông Hòa, Phú Yên.
Nghệ nhân Trần Thị Chiên giới thiệu về kỹ thuật cũng như nét đặc sắc của làng gốm Trường Thịnh.
Là một nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay, nghề làm gốm Trường Thịnh ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) cũng từng trải qua nhiều thăng trầm nhưng với nhiệt huyết của các nghệ nhân, làng nghề hiện vẫn được duy trì và hướng đến sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ độc đáo phục vụ người tiêu dùng.
Từ những sản phẩm truyền thống như: thùng, vò, ấm, chậu, nồi, trã, trách, bọng giếng, chum, vại… gốm Trường Thịnh hiện nay có thêm các sản phẩm gốm mỹ nghệ như: các loại tượng, chậu hoa, đèn ngủ ốp tường, đồ trang trí trong nhà…Tại triển lãm này một số sản phẩm truyền thống gốm gia dụng và gốm mỹ nghệ của dòng gốm Đông Hòa cũng đã được giới thiệu.
Đặc biệt, trong lễ khai mạc triển lãm, công chúng còn được trải nghiệm kỹ thuật làm gốm thủ công qua phần trình diễn của 2 nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn (làng gốm Bát Tràng) và nghệ nhân Trần Thị Chiên (làng gốm Trường Thịnh).
Không chỉ là hoạt động giao lưu giới thiệu các tác phẩm gốm nghệ thuật tiêu biểu đại diện 2 dòng gốm của Việt Nam, triển lãm còn góp phần vào việc lan tỏa và phát huy các giá trị nghề thủ công truyền thống và quảng bá văn hóa địa phương.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 18/12/2023.
D.Hà
thông báo
- Video Hưởng ứng ngày pháp luật nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09-11 trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- Kế hoạch hưởng ứng ngày pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- Tuyên truyền, phổ biến các Luật, Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua và triển khai một số nhiệm vụ về công tác PBGDPL
trao đổi kinh nghiệm
- Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin, hình ảnh chưa được xác thực gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự
- Cúm gia cầm và bệnh hô hấp gia tăng ở một số nước, Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh
- Phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp
- Cảnh giác với đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc ở gần trường học