TIN MỚI

Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày đăng 28/11/2024 | 10:51

Ngày 27/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi), gồm 6 chương với 37 điều, tăng 4 điều so với Luật hiện hành. So với Luật hiện hành, Luật Công đoàn (sửa đổi) có 7 nhóm điểm mới quan trọng.

 

Ngày 27/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi), gồm 6 chương với 37 điều, tăng 4 điều so với Luật hiện hành. So với Luật hiện hành, Luật Công đoàn (sửa đổi) có 7 nhóm điểm mới quan trọng.

Điểm mới quan trọng là Dự thảo Luật được thông qua đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người lao động Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam, phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Đồng thời, bổ sung quyền gia nhập Công đoàn và hoạt động tại công đoàn cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ công đoàn) của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa lao động là người Việt Nam và lao động là công dân nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.

Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm thể chế hóa Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương và bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua cũng đã sửa đổi quy định về Công đoàn đại diện cho người lao động, tập thể người lao động khởi kiện vụ việc lao động tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động bị vi phạm; sửa đổi quy định về Công đoàn đại diện cho cán bộ công đoàn khởi kiện vụ việc lao động tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ công đoàn bị vi phạm.

Chỉnh lý làm rõ hơn về quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong hoạt động chủ trì giám sát và người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát. Cụ thể, hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Công đoàn thực hiện theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn mang tính xã hội, bao gồm việc theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện dân chủ ở cơ sở và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn.

Đáng quan tâm, Luật Công đoàn (sửa đổi) tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn rõ ràng, phù hợp với thực tiễn của hoạt động đoàn; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ.

Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Bảo Khánh