TIN MỚI
Chuyển đổi hành vi theo hướng tích cực trong việc thực hiện các quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh; tạo điều kiện để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và phát triển toàn diện.
UBND Thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch số 133/KH-UBND thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Mục đích là thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cộng đồng. Qua đó, chuyển đổi hành vi theo hướng tích cực trong việc thực hiện các quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh; tạo điều kiện để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và phát triển toàn diện. Đồng thời, đảm bảo 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định được quan tâm, hỗ trợ trong Tháng hành động vì trẻ em, đặc biệt nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6; tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi giải trí an toàn, bổ ích cho trẻ em gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 diễn ra từ ngày ngày 01 - 30/6 trên địa bàn toàn Thành phố, với các thông điệp, khẩu hiệu truyền thông như: “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bao vệ trẻ em bằng hành động”; “Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình”; “Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”; “Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”; “Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình”; “Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”; “Gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”; “Số 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi”.
Theo dự kiến, Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em vào ngày 26/5/2022 tại huyện Quốc Oai. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã xây dựng Kê hoạch và tổ chức Lễ phát động vì trẻ em năm 2022 vào cuối tháng 5 hoặc nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6/2022 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tại Kế hoạch, UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động xã hội, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Trung ương và Thành phố về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức chiến dịch truyền thông tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đặc biệt phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông, rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng...; tăng cường tuyên truyên, vận động gia đình thường xuyên quan tâm đến tâm sinh lý, sức khoẻ tâm thần của trẻ em, giám sát, hỗ trợ trẻ em.
Đồng thời, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đến từng gia đình, cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em trong gia đình, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; đăng tải các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), đường dây nóng về dịch vụ trợ giúp khẩn cấp của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (0433.525662/0912.902611) để thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương. Sử dụng các sản phẩm, tài liệu truyền thông mẫu được đăng tải trên website của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (http://tongdai 111.vn) và Fanpage Truyền hình Vì Trẻ em VTV1.
Trong năm 2022, Thành phố yêu cầu các ngành chức năng tăng cường truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp và cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho cha mẹ và những người chăm sóc trẻ, tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, kỹ năng bảo vệ, phòng, chống xâm hại và đảm bảo an toàn cho trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh; chỉ đạo các nhà trường quan tâm việc giáo dục kỹ năng sống, nắm bắt tâm lý, sức khoẻ tâm thần của trẻ, chú trọng công tác tư vấn và phổ biến cho học sinh về phòng, chống tai nạn, thương tích trước kỳ nghỉ hè. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các hoạt động sáng kiến, hội thi nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quyền trẻ em, đưa ra các giải pháp bảo vệ trẻ em tại gia đình, trường học, cơ sở trợ giúp trẻ em, cộng đồng... khi thiên tai, dịch bệnh, phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Mặt khác, cùng với việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em như tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” nhằm tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, trình bày quan điểm, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Tổ chức các câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khơi xướng và thực hiện tại địa phương; các hoạt động khác nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em giúp các em tự tin, thực hiện tốt quyền và bổn phận của mình.
Thực hiện Tháng hành động vì trẻ em, Thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em như: chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi; tổ chức khám, chữa bệnh, hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập, trao học bổng... cho trẻ em có thành tích trong học tập và rèn luyện, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, trẻ em tại các xã vùng dân tộc miền núi.
Ngoài ra, Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, giao lưu... với nội dung bổ ích, hình thức phong phú, phù hợp với nhu cầu của trẻ và tình hình thực tế.
Năm 2022, Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hỗ trợ cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng; Đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp các công trình phúc lợi, cơ sở vật chất, bổ sung các trang thiết bị vui chơi giải trí, dụng cụ thể dục thể thao phù hợp cho trẻ em tại cộng đồng. Biểu dương, khen thương, động viên các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia và có nhiều thành tích nổi bật trong Tháng hành động vì trẻ em./.
Trần Hạnh
thông báo
- Tài liệu phục vụ Hội nghị phổ biến Luật Cư trú và các văn bản liên quan
- Tài liệu hội tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cho cán bộ Công đoàn cơ sở nghị ngày 11/5/2022
- Phương án phòng, chống dịch Covid-9 phục vụ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (Sea Games 31) trên địa bàn Thành phố