TIN MỚI

Cần bổ sung chế tài với những trường hợp chậm, không công khai thông tin quy hoạch
Ngày đăng 01/06/2022 | 07:56

Việc thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Theo phản ánh của cử tri thì những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó để có thể tiếp cận

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã dành cả ngày làm việc để thảo luận về Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, sau khi nghe báo cáo về nội dung này.

Cần đồng thời rà soát các luật và hướng dẫn chuyên ngành

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, sau hơn 3 năm thi hành Luật Quy hoạch, mới có 7/111 quy hoạch được phê duyệt, còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn Hà Nội) đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát và đánh giá cao việc lựa chọn nội dung giám sát này. Đại biểu kiến nghị khi tháo gỡ vướng mắc trong Luật Quy hoạch 2017 cần phải đồng thời rà soát với các luật và hướng dẫn chuyên ngành thì mới có thể đủ điều kiện thực hiện được quy hoạch.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho rằng, người đứng đầu, các lãnh đạo cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải dành thời gian nghiên cứu, đưa ra định hướng, góp ý cho tư vấn, tránh quy hoạch chậm tiến độ, kém chất lượng. Ngoài ra, phải huy động được sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực bên ngoài một cách linh hoạt, nêu cao tinh thần dân chủ, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các địa phương… để đảm bảo chất lượng và tiến độ quy hoạch.

Công khai thông tin quy hoạch nói chung còn rất hình thức

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hoá) đề cập đến một trong những nội dung quan trọng là công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. “Một vấn đề tưởng chừng như đơn giản chỉ là một cú kích chuột, nhưng việc thực hiện thì rất có vẻ khó khăn trên thực tế. Tôi tán thành với nhận định của Đoàn giám sát, đó là việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả”, đại biểu nói.

Dẫn chứng việc công khai quy hoạch được quy định tại nhiều luật, đại biểu đoàn Thanh Hóa cho rằng, trên thực tế cho thấy, công tác công bố công khai thông tin quy hoạch nói chung thực sự còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng và đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cụ thể hơn với Quốc hội vấn đề này.

“Việc thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Theo phản ánh của cử tri thì những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó để có thể tiếp cận. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.

 Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công bố công khai thông tin lại chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa thấy có báo cáo số liệu về xử lý kỷ luật hay xử lý trách nhiệm trong trường hợp không công bố thông tin quy hoạch”, đại biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh.

Đồng thời, đại biểu đề nghị trong dự thảo nghị quyết giám sát Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm, hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.

Bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ), để đảm bảo chất lượng các kế hoạch, cần có nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện hơn về kinh nghiệm quốc tế đối với việc xây dựng hệ thống quy hoạch, phương pháp lập và triển khai các loại quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch với nhau, đặc biệt là có đánh giá cụ thể về thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm của các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần lựa chọn và tập trung vào một số quy hoạch quan trọng, then chốt nhất đóng vai trò định hướng và dẫn dắt cho các quy hoạch khác, ví dụ như quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng và quy hoạch một số đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) lại đề xuất bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

“Tôi nghĩ đây là vấn đề rất quan trọng trong thời kỳ sau 30 năm đến 50 năm nữa, lúc đó nhu cầu để mở rộng thành phố chắc chắn sẽ có mà việc mở rộng theo hướng lấy thêm diện tích đất ở trên là rất tốn kém, đôi khi là bất khả thi, chỉ có thể mở rộng thành phố theo hướng ngầm dưới lòng thành phố thì sẽ hữu hiệu hơn”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, cần tập trung một đội ngũ những chuyên gia trong và ngoài nước giỏi và nên có một nguồn kinh phí đủ lớn để làm cho được việc quy hoạch phát triển không gian ngầm ở các thành phố của Việt Nam.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng kiến nghị cần có quy hoạch và quyết tâm xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. “Chỉ với một hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, đồng bộ, hợp lý thì mới có thể giải quyết căn cơ tình hình giao thông quá tải, lộn xộn hiện nay về sau”, đại biểu nói.

Mai Chi