HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thôn Nghe thôn không ma túy ở Vân Hòa
Ngày đăng 28/06/2022 | 22:22  | Lượt xem: 111

Đến nay, Nghe vẫn là thôn không có ma túy ở xã Vân Hòa (Ba Vì) thành quả đáng tự hào của cán bộ và người dân nơi đây, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội ở thôn

Bà Lê Thị Thảo, Trưởng thôn Nghe cho biết “Thôn có hơn 180 hộ dân, hơn 900 nhân khẩu, nhân dân trong thôn chủ yếu là người gốc Mường và người Kinh ở các vùng quê huyện Phúc Thọ trước đây vào sinh sống, lập nghiệp. Lâu nay chúng tôi luôn xác định có ổn định về an ninh trật tự thì thôn xóm mới bình yên, nhà nhà sẽ có cơ hội để phát triển chung về mọi mặt. Chính vì vậy, mọi người trong thôn luôn có ý thức gìn giữ quê hương không tệ nạn xã hội, không ma túy. Nghị quyết hằng tháng của Chi bộ luôn có nội dung gìn giữ an ninh thôn xóm, để mỗi đảng viên tuyên truyền, triển khai thực hiện, gặp gỡ nắm bắt từng hộ gia đình mình phụ trách để theo dõi chung, từ đó phản ánh trong các cuộc họp chi bộ. Qua cuộc họp chi bộ, mỗi đảng viên cũng ý thức được gìn giữ gia đình không ma túy, phấn đấu là những gia đình gương mẫu”.

Để gìn giữ là thôn không ma túy, những năm qua, thôn Nghe luôn làm tốt công tác tuyên truyền trong các hội nghị họp thôn, ngày hội Đại đoàn kết, hội nghị đại biểu nhân dân đầu năm. Nội dung tuyên truyền tập trung về tác hại của ma túy, những vụ việc liên quan đến ma túy trong và ngoài xã, được lồng ghép hiệu quả trong họp thôn, để các gia đình nâng cao ý thức tự bảo vệ của mỗi thành viên. Nếu gia đình nào đó có người dính vào ma túy thì khó tránh khỏi cảnh nhà tan cửa nát rồi những người nghiện ma túy, đến lúc cùng cực họ sẽ ăn trộm, ăn cắp, gây mất an ninh thôn xóm. Bên cạnh đó, là việc xây dựng gia đình văn hóa, gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Sự liên kết, rào cản giữa người Mường và người Kinh ngày càng ổn định, khăn khít.

 

Cần nói thêm là nhân dân ở Nghe những năm qua, tập trung vào chăn nuôi phát triền chăn nuôi bò sữa, du lịch... Nếu như năm 2015 thôn Nghe chỉ có khoảng vài chục con bò sữa thì giờ đây 60% số hộ đã đầu tư chăn nuôi bò, thôn có khoảng 500 con bò sữa. Để tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi bò sữa, nhân dân ở đây còn chuyển đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ và các cây cảnh, cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy mà đến nay ở thôn có 15 ha trồng cỏ còn lại người dân trồng nhiều loại hoa, cây cảnh, rau màu có kinh tế khá. Qua đánh giá cuối năm 2021 vừa qua, thôn Nghe có mức thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm. Mỗi năm trong thôn có 8 đến 10 gia đình xây dựng nhà kiên cố. Số hộ nghèo chỉ còn 5 hộ.  Trong xây dựng nông thôn mới vài năm qua, thôn Nghe cũng được thụ hưởng nhiều công trình do Nhà nước hỗ trợ, trong đó có các dự án làm đường ngõ. Do các dự án Nhà nước đầu tư chỉ có tiền về thi công, vật liệu rất cần sự chung sức của nhân dân về đất, vì vậy thôn đã tuyên truyền, giải thích cặn kỹ, có lý, có tình để các hộ vì cộng đồng, vì mình mà hiến đất. 7 năm qua, 7 tuyến đường ngõ ở thôn được thi công các hộ trong thôn đã hiến được hơn 2.000 mét vuông đất, từ đó mà 4km đường ở thôn được bê tông hóa. Trong số này có gia đình tiêu biểu là gia đình chị Nguyễn Thị Định, gia đình ông Nguyễn Văn Lực. Giờ ai về thôn Nghe vào khu du lịch Long Việt đều thấy đường làng ngõ xóm ở đây đã được bê tông hóa sạch sẽ.

Nắm bắt được tình hình, với phương châm “Vì thôn bình yên thôn Nghe”, địa phương đã vận đồng các gia đình cùng với việc nỗ lực phát triển kinh tế, thực hiện tốt phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Theo đó, các gia đình trong thôn đã tự giác giáo dục con cháu, các thành viên chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy ước, hương ước của thôn. Đặc biệt, mỗi gia đình có con em đi làm ăn xa luôn quan tâm theo dõi thông tin để phát hiện sớm các trường hợp có những biểu hiện xấu, lệch lạc, kịp thời có biện pháp uốn nắn, giáo dục, không để các em sa vào tệ nạn xã hội, ma túy. Nhờ đó, những năm qua, tỷ lệ Gia đình văn hóa trong thôn Nghe luôn đạt từ 90% trở lên. Nhiều gia đình trong thôn như gia đình các ông Nguyễn Văn Chì, Nguyễn Văn Thảo... đều là những gia đình đã nỗ lực phát triển kinh tế, giáo dục con cái học hành tiến bộ, giữ vững nề nếp gia phong của gia đình... Đặc biệt ở thôn Nghe việc đầu tư cho công tác giáo dục không chỉ là bà con người Kinh vào sinh sống mà rất nhiều gia đình là người Mường đã chủ động quan tâm, tạo điều kiện phát triển cho con em phát triển việc học hành đỗ đạt, học nghề xuất khẩu lao động...

 Vì mục tiêu thôn không ma túy, thôn đã chỉ đạo các hộ sống chung trong một ngõ thành lập ngõ liên gia tự quản. Với mô hình ngõ liên gia tự quản, các hộ vừa giúp nhau trong các việc ma chay, hiếu hỉ, vừa liên kết với nhau trong đấu tranh với đối tượng xấu xâm nhập vào địa bàn. Rõ ràng, ngõ liên gia là một pháo đài để chống xâm nhập ma túy vào địa bàn. Trong thôn hiện nay để tăng tình đoàn kết trong toàn thôn, thôn vẫn duy trì là sự giúp đỡ nếu gia đình nào có người thân qua đời thì mỗi hộ đóng góp là 1kg gạo.  Phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy là một nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn đối với mỗi gia đình trong thời đại hiện nay. Vì vậy, các chi hội đoàn thể như Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thôn luôn tuyên truyền, gắn kết các gia đình hội viên để mỗi đoàn viên, hội viên nỗ lực phòng ngừa ma túy ngay chính từ gia đình mình. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong thôn cũng được phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo nhân dân ở nhiều lứa tuổi tham gia. Qua phong trào, đã giúp mọi người gần gũi, nắm bắt thông tin. Ngoài việc phát triển thể thao, đảm bảo sức khỏe, phong trào còn giúp các gia đình nắm bắt tình hình chung, trao đổi về các công việc của xã hội, của thôn... từ đó đấu tranh với các tệ nạn xã hội và ma túy. Với tình hình an ninh trật tự ổn định, kinh tế ngày phát triển bền vững mà thôn Nghe từ năm 2018 trở lại đây năm nào cũng được UBND huyện Ba Vì công nhận là thôn Văn hóa cấp huyện.

Với sự lãnh đạo đúng đắn, lại làm tốt tuyên truyền cùng ý thức của mỗi gia đình mà đến nay, ma túy không xâm nhập vào Nghe. Đây thực sự là điều mà mỗi cán bộ, nhân dân thôn Nghe luôn mong muốn và sẽ phát huy trong những năm tiếp theo.

Hồng Đạt