HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền miệng cho hơn 300 báo cáo viên pháp luật
Ngày đăng 03/04/2015 | 00:00  | Lượt xem: 136

Tính đến ngày 31-12-2014, Hà Nội đã công nhận 847 người là báo cáo viên pháp luật của quận huyện, thị xã. Để nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của thành phố, giúp cán bộ công chức Tư pháp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, những năm qua hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, duy trì thường xuyên.

Ngày 2-4, Sở Tư pháp – cơ quan Thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên TP, quận, huyện thị xã. Hơn 300 đại biểu gồm đại diện báo cáo viên pháp luật của sở, ban ngành đoàn thể thành phố và cấp huyện, lãnh đạo UBND, cán bộ phòng tư pháp các quận, huyện, thị xã đã về dự Hội nghị.

Giới thiệu về hình thức tuyên truyền miệng đến đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Hà Nội, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ Lê Trọng Vinh nhấn mạnh, với nhiều ưu điểm, đây là hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được áp dụng khá thường xuyên. Do đó, để đạt hiệu quả tuyên truyền cao, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật cần phải trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết. “Báo cáo viên pháp luật phải đảm nhận cả 4 vai trò, vừa là nhà biên kịch, vừa là đạo diễn, diễn viên, đồng thời làm nhiệm vụ hướng dẫn thi hành luật. Kỹ năng tạo sự chú ý, gây thiện cảm ban đầu cho người nghe vì vậy rất quan trọng. Sẽ không có cơ hội thứ hai để gây ấn tượng ban đầu” – Ths Lê Trọng Vinh cho biết.

Thiện cảm ban đầu sẽ tạo ra sự hứng thú, say mê của người nghe, củng cố được niềm tin về vấn đề đang tuyên truyền. Thiện cảm ban đầu chủ yếu ở cách đặt vấn đề đầu tiên của người nói. Trong những phút đầu tiên của bài giới thiệu, người nói phải nêu được khoảng từ 3, 4 vấn đề chủ yếu mà người nghe cần tìm hiểu nhất. Ví dụ khi tuyên truyền cho đối tượng là công nhân về Bộ luật Lao động thì các vấn đề mà công nhân quan tâm nhất là hợp đồng lao động, bảo hộ lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền ương, bảo hiểm xã hội. Báo cáo viên có thể bắt đầu từ một câu chuyện pháp luật được các phương tiện thông tin đại chúng nói đến nhiều thời gian qua hoặc có thể bắt đầu từ một bộ phim đã chiếu khá phổ biến hoặc cũng có có thể bằng các tình huống xảy ra gần địa bàn nơi tổ chức tuyên truyền...

Từ thiện cảm ban đầu, báo cáo viên tiếp tục sử dụng các kỹ năng khác để đạt đến mục đích cuối cùng là phổ biến, giới thiệu các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người nghe, hướng cho người nghe hành động theo các chuẩn mực pháp luật.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương, tính đến ngày 31-12-2014, Hà Nội đã công nhận 847 người là báo cáo viên pháp luật của quận huyện, thị xã. Để nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của thành phố, giúp cán bộ công chức Tư pháp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, những năm qua hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, duy trì thường xuyên.

Hải Yến