Nghiên cứu, trao đổi

Ý nghĩa các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
Ngày đăng 28/11/2023 | 14:53  | Lượt xem: 110

Ngày 04/7/2023 Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích  phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội. Nghị quyết nhằm hướng tới khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, bền vững, thân thiện môi trường. Nghị quyết đã hỗ trợ cho các đối tượng đầu tư sản xuất nông nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp cụ thể như sau:

1. Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường

Theo quy định tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND các đối tượng được hỗ trợ bao gồm: Đơn vị, tổ chức được cấp có thẩm quyền giao tập huấn theo kế hoạch, dự toán hàng năm; Giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật tham gia giảng dạy; cán bộ quản lý lớp tập huấn; Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình sản xuất, chế biến, bảo quản, liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Mỗi học viên được hỗ trợ tham gia 01 lần/01 nội dung tập huấn. Chính sách hỗ trợ này bao gồm các nội dung như: Chi in ấn tài liệu, giáo trình trực tiếp phục vụ lớp tập huấn; văn phòng phẩm; nước uống; thuê phương tiện đi thực tế, hội trường, trang thiết bị phục vụ lớp tập huấn; vật tư thực hành (nếu có; Chi hỗ trợ cho học viên tiền ăn, tiền đi lại…

Như vậy, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ được tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp với các nội dung về kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Đây là những kiến thức rất quan trọng giúp cho người lao động, người quản lý vừa được nâng cao về kiến thức chuyên môn, vừa được bồi dưỡng về các kiến thức liên quan đến hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp yêu cầu không chỉ giỏi về mặt kỹ thuật mà còn cần phải có hiểu biết về pháp luật, về đánh giá thị trường. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được các doanh nghiệp chú trọng và đầu tư xứng đáng. Do đó, việc hỗ trợ tập huấn của nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp bổ sung được những kiến thức cần thiết, vừa giúp cho doanh nghiệp tiết kiện các chi phí đào tạo nhất định. Có thể nói đây là một chính sách mang lại các lợi ích lâu dài nhằm thúc đẩy đầu tư sản xuất nông nghiệp đúng hướng.

2. Chính sách khuyến khích sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản

Để khuyến khích sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Thành phố hỗ trợ ở giai đoạn sản xuất và giai đoạn nhập khẩu như sau:

Về sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản gồm hỗ trợ tín dụng và hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất giống cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó hỗ trợ tín dụng có đối tượng trực tiếp là các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ tín dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn Thành phố, đáp ứng các điều kiện về sản xuất giống theo quy định của pháp luật về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản khi ký hợp đồng vay vốn sẽ được hỗ trợ 01 lần 100% lãi suất vay trong thời hạn 03 năm (36 tháng) theo hợp đồng vay vốn nhưng không vượt quá lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn.

Về nhập khẩu giống vật nuôi, thủy sản thì Các tổ chức nhập khẩu giống vật nuôi, thủy sản để sản xuất giống trên địa bàn Thành phố đáp ứng các điều kiện về sản xuất giống theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, thủy sản thì đối với chăn nuôi được hỗ trợ 50% kinh phí nhập khẩu giống bò thuần chủng, giống lợn cụ kỵ, ông bà năng suất chất lượng cao tối đa không quá 5 tỷ đồng/ doanh nghiệp, hợp tác xã. Còn đối với thủy sản thì được hỗ trợ 50% kinh phí nhập khẩu giống gốc thủy sản thuần chủng, giống thủy sản bố mẹ tối đa không quá 1 tỷ đồng đồng/ doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy, để tạo ra được các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chất lượng thì Thành phố tập trung hỗ trợ về tín dụng, về các chi phí nhập khẩu giúp cho các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư vào các giống tạo ra giá trị, năng suất, giúp chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp.

3. Chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản

Chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản theo quy hoạch đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường được hưởng hỗ trợ 01 lần 100% lãi suất vay trong thời hạn 03 năm (36 tháng) theo hợp đồng vay vốn nhưng không vượt quá lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn. Để có thể hình thành được các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản thì khó khăn đầu tiên mà các doanh nghiệp gặp phải chính là xây dựng cơ sở. Đây là hoạt động đầu tư đòi hỏi vốn lớn, thủ tục pháp lý phức tạp. Vì vậy, chính sách hỗ trợ này sẽ giúp thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản, qua đó giúp kết nối với khâu sảu xuất và tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững, an toàn, có kiểm soát; góp phần tạo công ăn, việc làm cho lao động khu vực nông thôn.

4. Chính sách hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

Chính sách hỗ trợ về lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp. Chính sách hỗ trợ về chi phí giết mổ đối với các tổ chức, cá nhân có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp trong “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội”, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Có sản lượng giết mổ thực tế đạt tối thiểu: 2.000 con lợn/tháng hoặc 10.000 con gia cầm/tháng hoặc 500 con trâu, bò/tháng.

Chính sách hướng tới giải quyết một phần khó khăn ban đầu cho các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay (do chi phí đầu tư xây dựng đối với các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung lớn). Qua đó thúc đẩy các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp, bán công nghiệp đầu tư cải tạo, nâng cấp tiến tới vận hành tối đa công suất thiết kế, đảm bảo sản phẩm sau giết mổ được kiểm soát; đồng thời tạo động lực khuyến khích một số cơ sở giết mổ nâng cấp dây chuyền thiết bị. Đồng thời, chính sách hướng tới xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Từ đó giúp kiểm soát và đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

5. Chính sách thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Để thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chính sách đã tập trung vào các nội dung hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ mua máy cấy phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa, hỗ trợ kinh phí cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái.

Có thể nói cơ giới hóa trong nông nghiệp là vấn đề then chốt để tăng năng suất, giảm lao động thủ công nặng nhọc, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Khi được hỗ trợ thì các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư và đồng bộ hóa các khâu trong sản xuất, từ đó tăng hiệu quả kinh doanh. Thực chất hiện nay các doanh nghiệp cũng đã áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhưng chưa đồng đều và thực sự hiệu quả. Do đó, để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa thì việc thực hiện chính sách là hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng suất, hiệu quả, thúc đẩy phát triển liên kết chuỗi, thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài.

6. Chính sách chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản

Đối với chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, Thành phố hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng các giống vật nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để thay thế các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng thấp hoặc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, nằm trong chương trình, đề án, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và dự toán thực hiện hàng năm được hỗ trợ 100% các chi phí thụ tinh nhân tạo (gồm: Liều tinh, Nitơ, dụng cụ phối giống, công phối giống) trên địa bàn Thành phố khi phối giống bằng tinh bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tinh lợn giống cao sản.

Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản tại vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, Thành phố hỗ trợ Các tổ chức, cá nhân sản xuất trong vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung, sử dụng các giống cây trồng, thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thay thế các giống cây trồng, thủy sản có năng suất, chất lượng thấp hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản theo quy hoạch, nằm trong chương trình, đề án, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và dự toán thực hiện hàng năm được hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống cây trồng, thủy sản lần đầu (Riêng giống hoa lan nuôi cấy mô, hoa lily hỗ trợ một lần 20% chi phí mua giống lần đầu); Hỗ trợ 50% chi phí bảo vệ thực vật trong năm đầu và 30% trong năm thứ hai. Hỗ trợ 70% chi phí bảo vệ thực vật trong năm đầu và 50% trong năm thứ hai chi phí bảo vệ thực vật khi sử dụng các chế phẩm sinh học, có nguồn gốc sinh học để phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất trồng trọt an toàn.

Như vậy, trong lĩnh vực chăn nuôi, doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ được hỗ trợ trực tiếp nên sẽ giảm được chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh từ đó nâng cao lợi nhuận, hướng tới các hoạt động xuất khẩu.

Chính sách hỗ trợ đối với trồng trọt, thủy sản giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung,  thuận lợi cho việc đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, khai thác tối đa nguồn lực từ đất, mang lại giá trị kinh tế cao.

7. Chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Thành phố đã hỗ trợ các nội dung như:

- Chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, gồm: Chi khảo sát, điều tra xác định, lựa chọn địa bàn thực hiện kế hoạch liên kết và các hộ có nhu cầu, điều kiện đề tham gia kế hoạch liên kết; Chi nghiên cứu, lập và xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện kế hoạch liên kết, phương án sản xuất.

- Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.

- Chi hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 3 chu kỳ sản xuất, cụ thể: Hỗ trợ tối đa 70% kinh phí mua giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm cho các đối tượng tham gia chuỗi ở địa bàn miền núi; Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí mua giống, vật tư, bao bì, nhãn mác cho các đối tượng tham gia chuỗi ở địa bàn đồng bằng.

Việc tạo ra các chuỗi liên kết vừa đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, vừa đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho chế biến. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa được thực hiện rộng rãi hoặc có tính tự phát làm phát sinh các rủi ro pháp lý. Do đó, chính sách thúc đẩy hoạt động liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ. Với việc hỗ trợ về chi phí tư vấn xây dựng hợp đồng, phương án, kế hoạch sản xuất sẽ giúp cho các doanh nghiệp đánh giá đúng được thị trường, xác định rõ nhu cầu liên kết, quyền và nghĩa vụ của các bên, từ đó tính toán đúng các chi phí, dự báo các vấn đề rủi ro phát sinh, nâng cao hiệu quả đầu tư. Các hỗ trợ về đào tạo tập huấn, hỗ trợ về giống, vật tư là các hỗ trợ trực tiếp đảm bảo nguồn lực cho dự án liên kết khả thi và thành công.

8. Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chính sách hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; Chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp:

Đây là nhóm các chính sách ứng dụng các giải pháp về công nghệ nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Cụ thể các tổ chức, cá nhân có dự án hoặc phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi vay vốn của các tổ chức tín dụng được hỗ trợ 01 lần 100% lãi suất vay trong thời hạn 03 năm (36 tháng) theo hợp đồng vay vốn nhưng không vượt quá lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn, tiến độ hỗ trợ theo kỳ trả lãi của ngân hàng. Các tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất trồng trọt trên địa bàn Thành phố sau khi được cấp Giấy chứng nhận cấp mã số vùng trồng theo quy định được hỗ trợ chi phí tư vấn cho cấp mã số vùng trồng lần đầu và được hỗ trợ chi phí phân tích điều kiện sản xuất (đất trồng và nước tưới) cho cấp mã số vùng trồng lần đầu. Các tổ chức, cá nhân mua sắm, lắp đặt thiết bị giám sát và điều khiển dinh dưỡng tự động; thiết bị cảm biến; thiết bị quan trắc môi trường; mua camera, đường truyền, phần mềm để sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm, lắp đặt thiết bị.

Để phát triển được nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì cần phải thúc đẩy các tổ chức, cá nhân ứng dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến. Do đó các chính sách nêu trên là rất cần thiết. Đối với các đối tượng được hỗ trợ trong đó có doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với các nguồn vốn của nhà nước để từ đó tăng cường đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động như theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng, từ đó là tiền đề chuẩn bị sẵn sàng về vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu.

9. Chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp bao gồm các chính sách đối với hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

- Đối với trồng trọt, hỗ trợ 50% kinh phí mua chế phẩm sinh học để xử lý phụ phẩm cây trồng, rơm rạ làm phân bón và thức ăn chăn nuôi tối đa không quá 1,2 triệu đồng/ha. Hỗ trợ tối đa 02 lần/năm và trong 02 năm liên tiếp. Hỗ trợ 01 lần kinh phí mua thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (02 thùng/ha); hỗ trợ 100% chi phí xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

- Đối với chăn nuôi: Hỗ trợ 50% kinh phí mua chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi tối đa không quá 300 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Hỗ trợ tối đa 02 chu kỳ nuôi đối với lợn, gia cầm; 01 chu kỳ nuôi đối với trâu, bò.

- Đối với thủy sản: Hỗ trợ 50% kinh phí mua sản phẩm xử lý môi trường nước trong nuôi thủy sản tối đa không quá 15 triệu đồng/ha. Hỗ trợ tối đa 02 năm liên tiếp. Hỗ trợ 01 lần 50% kinh phí mua thiết bị làm giàu oxy xử lý môi trường nước nuôi trồng thủy sản, tối đa không quá 15 triệu đồng/ha.

Công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp là công việc quan trọng nhưng chưa được doanh nghiệp đầu tư thích đáng do chi phí lớn. Các chính sách hỗ trợ của thành phố sẽ giúp cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí, thúc đẩy các doanh nghiệp hăng hái đi đầu trong việc sử dụng cac biện pháp sản xuất kết hợp với bảo vệ môi trường, từ đó tạo một tiền đề kinh doanh ổn định, bền vững.

10. Chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình điểm phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, trải nghiệm

Các tổ chức, cá nhân có mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, trải nghiệm  được hỗ trợ 100% tư vấn thiết kế xây dựng mô hình; 100% kinh phí tập huấn cho các đối tượng tham gia thực hiện mô hình; Hỗ trợ máy móc, thiết bị chuyển đổi số; Hỗ trợ 100% kinh phí tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mô hình.

Để có thể phát triển được nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, trải nghiệm thì nhà đầu tư cần phải có kiến thức, kỹ năng và vốn. Do đó, chính sách đã hướng tới các nhu cầu này của các tổ chức, cá nhân đầu tư. Đặc biệt chính sách có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nông nghiệp kết hợp với du lịch của Thủ đô.

Tóm lại, việc ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND nhằm tạo ra một cơ chế đầy đủ, toàn diện để hỗ trợ tốt nhất các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Các chính sách vừa bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, vừa đầy đủ các giai đoạn của sản xuất nông nghiệp từ khi nuôi trồng đến khi cung cấp ra thị trường. Với các doanh nghiệp, việc nhận được chính sách hỗ trợ sẽ tạo ra các động lực to lớn giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Thủ đô hiện đại, hiệu quả, bền vững.

N. Hà