Nghiên cứu, trao đổi

Quy định của pháp luật về môi giới thương mại và các ưu điểm nhược điểm của hoạt động này
Ngày đăng 24/08/2022 | 09:32  | Lượt xem: 4536

Nội dung hoạt động môi giới thương mại thường bao gồm: Tìm kiếm bạn hàng, cung cấp các thông tin cần thiết về bạn hàng cho người được môi giới, giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ cần môi giới, tiến hành các đàm phán ban đầu với bạn hàng, thoả thuận về các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các bên được môi giới, giúp đỡ các bên được môi giới soạn thảo văn bản hợp đồng khi cần thiết.

Trong nền kinh tế thị trường các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được các thương nhân tiến hành qua hai phương thức cơ bản: Giao dịch trực tiếp với khách hàng hoặc quan trung gian, thương nhân có thể sử dụng linh hoạt các phương thức kinh doanh khác nhau để đạt được mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Trong thực tế, không phải bên bán hàng, hoặc bên cung ứng dịch vụ nào cũng có khả năng tìm kiếm được bên mua hàng hoặc bên sử dụng dịch vụ và ngược lại. Cho nên các bên có nhu cầu tìm đến các thương nhân làm trung gian, làm cầu nối cho các bên có nhu cầu mua bán hàng hóa, dịch vụ, việc sử dụng dịch vụ trung gian thương mại có thể giúp các bên kinh doanh có hiệu quả hơn. Các hoạt động trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định, bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác mua bán hàng hoá và đại lý thương mại. Hiện nay, các hoạt động trung gian thương mại đang rất phát triển đặc biệt là hoạt động môi giới thương mại. Vậy, môi giới thương mại là gì? Có đặc điểm gì nổi bật so với các hoạt động trung gian thương mại khác? Trong bài viết này tác giả đi phân tích làm rõ các đặc điểm của môi giới thương mại và ưu điểm, nhược điểm của nó so với các hoạt động trung gian khác.

1. Quy định chung về môi giới thương mại

Môi giới thương mại lần đầu tiên được quy định trong Luật thương mại năm 1997 và tiếp tục được quy định trong Luật thương mại năm 2005. Để thực hiện hoạt động môi giới thương mại, người môi giới phải là thương nhân, có đăng ký kinh doanh để thực hiện dịch vụ môi giới. Nội dung hoạt động môi giới thương mại thường bao gồm: Tìm kiếm bạn hàng, cung cấp các thông tin cần thiết về bạn hàng cho người được môi giới, giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ cần môi giới, tiến hành các đàm phán ban đầu với bạn hàng, thoả thuận về các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các bên được môi giới, giúp đỡ các bên được môi giới soạn thảo văn bản hợp đồng khi cần thiết.

Các hoạt động môi giới việc làm, môi giới chứng khoán… không được coi là môi giới thương mại và không do Luật thương mại điều chỉnh.

2. Khái niệm môi giới thương mại

Môi giới thương mại là một trong bốn hoạt động trung gian thương mại mà Luật thương mại năm 2005 quy định. Xét về bản chất thì môi giới thương mại là một loại hình dịch vụ thương mại. Tại điều 150 Luật thương mại năm 2005 đã định nghĩa môi giới thương mại như sau: “Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ và hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới”.

3. Đặc điểm của môi giới thương mại

Từ khái niệm về môi giới thương mại được quy định tại điều 150 Luật Thương mại năm 2005 có thế thấy rằng, môi giới thương mại có những đặc điểm sau:

3.1.Chủ thể của quan hệ môi giới thương mại: gồm bên môi giới và bên được môi giới, trong đó bên môi giới phải là thương nhân, có đăng ký kinh doanh để thực hiện dịch vụ môi giới thương mại và không nhất thiết phải có ngành nghề đăng ký kinh doanh trùng với ngành nghề kinh doanh của các bên được môi giới. Pháp luật hiện hành không quy định bên được môi giới có nhất thiết phải là thương nhân hay không. Trong hoạt động môi giới thương mại, không phải tất cả các bên được môi giới đều có quan hệ môi giới thương mại với bên môi giới mà chỉ bên được môi giới nào ký hợp đồng môi giới với bên môi giới thì giữa họ mới phát sinh quan hệ môi giới thương mại. Khi sử dụng dịch vụ môi giới thương mại, bên môi giới nhân danh chính mình để quan hệ với các bên được môi giới và làm nhiệm vụ giới thiệu các bên được môi giới với nhau. Sau đó, các bên được môi giới trực tiếp giao kết hợp đồng với nhau. Nếu họ thay mặt bên được môi giới kí hợp đồng với khách hàng thì họ sẽ trở thành bên đại diện không đúng thẩm quyền của bên được môi giới. Tuy nhiên, Luật thương mại của Việt Nam không cấm bên được mối giới uỷ quyền cho bên môi giới kí hợp đồng với khách hàng. Trong trường hợp này, bên môi giới hành động với tư cách của bên đại diện.

3.2. Phạm vi của hoạt động môi giới thương mại:

So với Luật Thương mại năm 1997 phạm vi hoạt động môi giới thương mại đã được mở rộng hơn. Nếu như trước đây, Luật Thương mại năm 1997 quy định phạm vi hoạt động của môi giới thương mại chỉ gồm những hoạt động môi giới hàng hóa mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ thương mại liên quan đến mua bán hàng hóa thì đến Luật Thương mại năm 2005 hoạt động môi giới thương mại không chỉ giới hạn ở việc môi giới hàng hóa mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ mà còn mở rộng ra gồm tất cả các hoạt động môi giới có mục đích kiếm lợi như môi giới mua bán hàng hóa, môi giới chứng khoán, môi giới xuất nhập khẩu, môi giới bảo hiểm… Luật Thương mại năm 2005 chỉ dành một mục nhỏ gồm 5 điều (từ điều 150 đến điều 154) để quy định về môi giới thương mại. Do vậy, đây chỉ là những quy định mang tính chất nguyên tắc còn các quy định trong từng lĩnh vực riêng biệt cụ thể được quy định rõ hơn trong luạt chuyên ngành.

3.3. Nội dung của hoạt động môi giới:

Như phân tích ở mục trên, Luật Thương mại năm 2005 đã mở rộng phạm vi hoạt động môi giới thương mại hơn so với Luật Thương mại năm 1997 do đó, nội dung của hoạt động môi giới thương mại cũng đươc mở rộng hơn. Chúng ta biết rằng, môi giới thương mại là một hoạt động kinh doanh thuần tuý. Mục đích của bên môi giới thương mại khi thực hiện việc môi giới là tìm kiếm lợi nhuận. Bên môi giới thông thường được hưởng thù lao khi các bên được môi giới đã giao kết hợp đồng với nhau. Nội dung hoạt động môi giới rất rộng, bao gồm nhiều hoạt động như: tìm kiếm và cung cấp các thông tin cần thiết về đối tác cho bên được môi giới, tiến hành các hoạt động giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ cần môi giới, thu xếp để các bên được môi giới tiếp xúc với nhau, giúp đỡ các bên được môi giới soạn thảo văn bản hợp đồng khi họ yêu cầu. Mục đích của hoạt động môi giới là các bên được môi giới giao kết hợp đồng với nhau.

3.4. Hình thức hợp đồng môi giới thương mại

Quan hệ môi giới thương mại được thực hiện trên cơ sở hợp đồng môi giới. Hợp đồng môi giới được giao kết giữa bên môi giới và bên được môi giới. Đối tượng của hợp đồng môi giới chính là công việc môi giới, cung cấp cơ hội giao kết hợp đồng giữa bên được môi giới với bên thứ ba. Luật thương mại 2005 không quy định về hình thức của hợp đồng môi giới thương mại trong khi hầu hết các hoạt động trung gian thương mại như: ủy thác, đại diện, đại lý thương mại lại quy định phải lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Tuy nhiên, tại khoản 1 điều 153 Luật Thương mại năm 2005 quy định: 1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, quyền hưởng thù lao môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã ký hợp đồng với nhau”. Như vậy, căn cứ theo khoản 1 điều 153 Luật Thương mại năm 2005 thì hợp đồng môi giới phải được lập thành văn bản. Có thế thấy rằng, Luật Thương mại năm 2005 không quy định rõ ràng về hình thức hợp đồng của hoạt động môi giới thương mại nên trên thực tế gây khó hiểu, áp dụng một cách tuỳ nghi. Hơn nữa các hình thức trung gian thương mại khác quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản nếu các bên không tuân thủ đúng điều này thì đây còn là cơ sở để toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Do đó, Luật thương mại phải quy định rõ về hình thức của hợp đồng môi giới, tránh dẫn đến cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

3.5. Quan hệ môi giới thương mại:

Quan hệ môi giới thương mại được thực hiện trên cơ sở hợp đồng môi giới. Hợp đồng môi giới được giao kết giữa bên môi giới và bên được môi giới, bên môi giới phải là thương nhân còn bên được môi giới không nhất thiết phải là thương nhân. Đối tượng của hợp đồng môi giới chính là công việc môi giới nhằm chắp nối quan hệ giữa các bên được môi giới với nhau. Hình thức của hợp đồng môi giới không được Luật thương mại 2005 quy định. Luật Thương mại năm 2005 đã bỏ quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng môi giới những xuất phát từ bản chất của quan hệ môi giới và để hạn chế tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng môi giới, khi giao kết hợp đồng này các bên có thể thoả thuận những điều khoản về nội dung cụ thể của việc môi giới, mức thù lao mà bên môi giơi sẽ được nhận, thời hạn thực hiện hợp đồng môi giới, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, hình thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng môi giới.

4. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ môi giới thương mại

4.1. Quyền và nghĩa vụ của bên môi giới đối với bên được môi giới

* Quyền của bên môi giới thương mại được quy định cụ thể tại điều 153 Luật Thương mại năm 2005 gồm:

- Quyền quan trọng đầu tiên của bên môi giới là quyền hưởng thù lao và tương ứng với nó là nghĩa vụ trả thù lao của bên được môi giới. Thù lao môi giới là khoản tiền mà bên được môi giới phải tra cho bên môi giới khi bên môi giới đem đến cho bên được môi giới một cơ hội giao kết hợp đồng dự định. Tại khoản 1 điều 153 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, quyền hưởng thù lao môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã ký hợp đồng với nhau”. Quy định này bảo đảm cho bên môi giới có trách nhiệm đối với bên hành vi của mình. Chỉ khi hoạt động trung gian môi giới có kết quả thì bên môi giới mới được hưởng thù lao (nếu các bên không có thỏa thuận khác). Dưới góc độ thực tiễn và pháp lý, việc xác định thời điểm được hưởng thù lao trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác sẽ hạn chế việc bên được môi giới trốn tránh nghĩa vụ trả thù lao trong quan hệ môi giới. Việc quy định quyền hưởng thù lao của bên môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ thương mại với nhau, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điều 153 Luật Thương mại năm 2005). Điều đó có nghĩa là việc các bên được môi giới không thực hiện hợp đồng đã giao kết hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới quyền hưởng thù lao của bên môi giới, quy định như vậy là phù hợp với chức năng của bên môi giới, bởi bên môi giới không thể chịu trách nhiệm cho khả năng thực hiện hợp đồng hoặc khả năng tài chính của các bên. Tuy nhiên, trong hợp đồng môi giới các bên có thể thỏa thuận thù lao môi giới chỉ phát sinh sau khi hợp đồng giữa các bên được môi giới thực hiện dưới các điều kiện mà bên được môi giới mong muốn. Trong trường hợp, các bên được môi giới không giao kết được hợp đồng với nhau, bên môi giới không được hưởng thù lao môi giới nhưng nếu các bên không có thỏa thuận khác, bên môi giới vẫn cỏ quyền yêu cầu bên được môi giới thanh toán cho mình các chi phí hợp lý liên quan tới việc môi giới.

- Một quyền khác của bên môi giới là quyền được thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc môi giới. Theo quy định tại điều 154 Luật Thương mại năm 2005: Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên được môi giới phải thanh toán các chi phí hợp lí liên quan đến việc môi giới, kể cả khi việc môi giới không mang lại kết quả cho bên được môi giới”. Hiện nay, ở Việt Nam cũng như nhiều nước, thương nhân thực hiện dịch vụ môi giới như: môi giới bất động sản, môi giới bảo hiểm, môi giới mua bán doanh nghiệp thường thu một khoản phí nhất định có tính tượng trưng của bên được môi giới để trang trải trong hoạt môi giới gọi là phí giao dịch. Đây có thể hiểu là chi phí tối thiểu của bên môi giới trong việc tìm kiếm đối tác cho người nhờ môi giới trong một khoản thời gian nhất định. Nếu bên được môi giới không sử dụng dịch vụ của bên môi giới thì khoản thu đó có thể được xem là khoản chi phí cho việc môi giới, nhưng không có kết quả. Nhưng nếu giao dịch thành công thì bên môi giới sẽ được hưởng thù lao.

- Quyền được  bên được môi giới cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hoá, dịch vụ

* Nghĩa vụ của bên môi giới thương mại được quy định cụ thể tại điều 151 Luật Thương mại năm 2005 gồm:

- Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới. Trong quá trình thực hiện hợp đồng môi giới, có thể bên được môi giới phải cung cấp cho bên môi giới một số thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của mình. Bên môi giới chỉ được sử dụng các thông tin này để thực hiện việc môi giới theo hướng có lợi cho bên được môi giới mà không được cung cấp những thông tin đó cho khách hàng hay đối thủ cạnh tranh của người được môi giới.

- Bảo quản mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giời và phải hoàn trả cho bên được môi giới khi kết thúc việc môi giới. Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ.

- Là người trung gian, bên môi giới có trách nhiệm cung cấp thông tin, tư vấn cho bên được môi giới. Bên môi giới phải có trách nhiệm cung cấp chính xác về tư cách pháp lý của đối tác cho các bên được môi giới. Căn cứ vào bản chất của hoạt động môi giới, bên môi giới, không tham gia vào quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ thương mại đã được giao kết giữa các bên. Do đó, không chịu bất kì trách nhiệm nào trước sự vi phạm hợp đồng của các bên được môi giới với nhau. Tuy nhiên, nếu được sự ủy quyền hợp pháp của một hoặc các bên được môi giới thì bên môi giới có thể thực hiện một số nghĩa vụ theo hợp đồng như giao hàng hay nhận tiền thanh toán...

- Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có ủy quyền của bên được môi giới.

4.2. Quyền và nghĩa vụ của bên được môi giới đối với bên môi giới thương mại

* Quyền của bên được môi giới

Luật Thương mại năm 2005 không quy định về quyền của bên được môi giới, tuy nhiên căn cứ vào các nghĩa vụ của bên được môi giới, có thể thấy bên được môi giới có các quyền sau:

- Yêu cầu bên môi giới bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu đã được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;

- Yêu cầu bên môi giới không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của mình.

* Nghĩa vụ của bên được môi giới được quy định cụ thể tại điều 152 Luật Thương mại năm 2005 gồm:

- Cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hoá, dịch vụ;

- Trả thù lao môi giới và các chi phí khác cho bên môi gỉới.

5. Ưu điểm và hạn chế của hoạt động môi giới thương mại

5.1. Ưu điểm của hoạt động môi giới thương mại

Thứ nhất, so với các hoạt động trung gian thương mại khác, hoạt động môi giới thương mại có đặc điểm khác biệt là chủ thể thực hiện môi giới thương mại hoàn toàn không tham gia vào hợp đồng, giao dịch giữa các bên, không đại diện cho quyền lợi của bên nào. Chính vì không tham gia vào giao dịch giữa các bên nên bên môi giới không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của bên được môi giới, không có quyền được quyết định giá bán, giá cung ứng dịch vụ giữa các bên. Họ đơn thuần chỉ là cầu nối, con thoi giúp gắn kết người mua gặp người bán để hưởng thù lao.

Thứ hai, chúng ta thấy rằng các loại hình hoạt động trung gian thương mại khác được pháp luật quy định hợp đồng bắt buộc phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương thì Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản pháp luật liên quan lại không quy định rõ ràng hợp đồng môi giới không nhất thiết phải lập thành văn bản hay hình thức tương đương khác hay không. Điều này tạo điều kiện cho các hoạt động môi giới có thể tiến hành nhanh chóng, thuận tiện, giúp bên môi giới dễ dàng triển khai ngay công việc sau khi thỏa thuận giữa các bên đạt được.

5.2. Hạn chế của hoạt động môi giới thương mại

- Thứ nhất, so với các hoạt động trung gian thương mại khác được quy định trong Luật thương mại năm 2005, có thể thấy đối với môi giới thương mại luật không quy định về hình thức của hợp đồng, trong khi đó các hoạt động trung gian thương mại khác đều có quy định về hình thức của hợp đồng phát sinh giữa bên thực hiện dịch vụ và bên nhận dịch vụ. Luật thương mại năm 2005 không đề cập tới vấn đề hình thức của hợp đồng môi giới thương mại, điều này tạo điều kiện cho các hoạt động môi giới có thể tiến hành nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên việc không quy định như vậy cũng có mặt trái, đó là làm phát sinh những vấn đề tiềm ẩn về tranh chấp giữa các bên thực hiện dịch vụ môi giới và bên được môi giới. Trên thực tế có những hợp đồng môi giới được giao kết với giá trị lớn như môi giới bất động sản, môi giới chứng khoán, môi giới đưa người lao động ra nước ngoài làm việc… việc không quy định về hình thức của hợp đồng rất dễ gây rủi ro cho các bên  đặc biệt là những hợp đồng có giá trị lớn như trên. Để tránh những vướng mắc này xảy ra giữa các bên, pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể về hợp đồng môi giới thương mại sao cho có sự phù hợp, thống nhất với các hoạt động môi giới chuyên ngành khác.

- Thứ hai, một vướng mắc khác mà hoạt động môi giới thương mại trong thực tế gặp phải, đó là vấn đề về chế độ thanh toán chi phí, thù lao. Thù lao trong hoạt động thương mại là khoản tiền mà bên được môi giới phải trả cho bên môi giới khi bên môi giới giúp bên được môi giới làm việc với bên thứ ba. Thù lao có thể bao gồm cả những chi phí mà bên môi giới bỏ ra khi thực hiện công việc giao dịch, được gọi là chi phí môi giới. Luật thương mại năm 2005 chưa có quy định về trường hợp khi các bên không có thỏa thuận thì khi nào bên môi giới được hưởng thù lao môi giới, khi nào được hưởng chi phí môi giới. Hay trường hợp bên môi giới ký hợp đồng môi giới với cả hai bên được môi giới thì thù lao tính như thế nào. Chính vì vậy pháp luật cần có quy định rõ hơn về thù lao môi giới, ví dụ như nếu bên được môi giới giao kết thành công hợp đồng với bên thứ ba, thì thù lao môi giới phải do cả hai bên này cùng thanh toán; nếu giao kết hợp đồng với bên thứ ba không thành công thì bên được môi giới phải thanh toán thù lao bao gồm cả chi phí môi giới mà bên môi giới đã bỏ ra. Đối với trường hợp bên môi giới giao kết hợp đồng với cả hai bên được môi giới thì thù lao được xét trong mối quan hệ giao dịch thương mại, chứ bên môi giới không thể hưởng thù lao từ cả hai bên được môi giới trong cùng một giao dịch. Việc điều chỉnh các quy định pháp luật về hoạt động môi giới là rất cần thiết, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ này được tiến hành dễ dàng, thuận tiện hơn, tránh được nhiều rủi ro phát sinh, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phát triển. Hy vọng sắp tới pháp luật sẽ có sự điều chỉnh sát với thực tế hơn nữa để hạn chế được tối thiểu nhất những rủi ro mà các doanh nghiệp có thể gặp phải trong hoạt động môi giới thương mại.

Hiện nay, hoạt động môi giới thương mại đang là phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong hoạt động kinh doanh. Việc sử dụng hoạt động môi giới thương mại cũng như các loại hình hoạt động trung gian thương mại khác một cách hợp lý sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dựa trên những đặc điểm, ưu điểm và hạn chế của từng loại hình trung gian thương mại mà cụ thể là hoạt động môi giới thương mại mà các doanhh nghiệp lựa chọn hoạt động kinh doanh cho phù hợp với điều kiện, kinh nghiệm của mình./.

Lê Tâm