Nghiên cứu, trao đổi

Những điểm mới của Luật Giá năm 2023 doanh nghiệp cần lưu ý
Ngày đăng 06/10/2023 | 08:52  | Lượt xem: 137

Luật Giá năm 2023 đã kế thừa các quy định pháp luật hiện hành, tiếp tục sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, hướng tới hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề giá. Đây là luật quan trọng, là nền tảng, cơ sở cho các quy định khác của pháp luật. Việc sửa đổi, ban hành luật về giá có tác động đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong các hoạt động xây dựng giá, niêm yết giá, thẩm định giá… Do đó, việc nắm và hiểu về các quy định mới của Luật năm 2023 rất quan trọng

Ngày 19/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sau đây gọi là Luật năm 2023) với nhiều nội dung bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024. Luật này sẽ thay thế Luật Giá số 11/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2014/QH13, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 07/2022/QH15 (sau đây gọi chung là Luật năm 2012). Luật năm 2023 đã kế thừa các quy định pháp luật hiện hành, tiếp tục sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, hướng tới hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề giá. Đây là luật quan trọng, là nền tảng, cơ sở cho các quy định khác của pháp luật. Việc sửa đổi, ban hành luật về giá có tác động đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong các hoạt động xây dựng giá, niêm yết giá, thẩm định giá… Do đó, việc nắm và hiểu về các quy định mới của Luật năm 2023 rất quan trọng, giúp doanh nghiệp chủ động nắm bắt các quy chế pháp lý mới, chuẩn bị nhân lực, vật lực để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.

So với Luật năm 2012 thì Luật năm 2023 đã có nhiều thay đổi như sau:

1. Quy định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

- Về tiêu chí hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá:

Luật năm 2023 vẫn giữa 3 tiêu chí như Luật năm 2012 đó là: a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; b) Tài nguyên quan trọng; c) Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Ngoài ra, còn bổ sung thêm một tiêu chí thứ tư đó là: d) Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc bổ sung tiêu chí về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền là rất quan trọng, đảm bảo việc quản lý chặt chẽ, thống nhất của nhà nước, tránh phát sinh các tiêu cực.

- Về danh mục hàng hóa:

So với Luật năm 2012 thì Luật năm 2023 ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại một phụ lục kèm theo luật, cụ thể là tại Phụ lục số 02 với 42 nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá với đầy đủ thẩm quyền, hình thức định giá nhằm cụ thể, minh bạch, tạo điệu kiện cho việc tổ chức thực hiện.

Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định tại Luật giá 2012 và các Luật chuyên ngành gồm 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ, trong đó có 17 nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Luật giá 2012 và sửa đổi; có 35 nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Luật chuyên ngành (trong đó có 17 hàng hóa, dịch vụ cụ thể được chuyển từ phí sang thực hiện định giá theo quy định tại Luật phí, lệ phí 2017 và được cụ thể hóa tại Nghị định 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013/NĐ-CP).

Tại danh mục Luật năm 2023, đã có nhiều mặt hàng được đưa ra khỏi danh mục các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá như: giá thuốc lá điếu tiêu thụ tại Việt Nam, giá trong hoạt động quy hoạch…

Đồng thời, bổ sung thêm mặt hàng do nhà nước định giá như: sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ an ninh quốc phòng.

2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá

Luật Giá năm 2012 quy định 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm: a) Xăng, dầu thành phẩm; b) Điện; c) Khí dầu mỏ hóa lỏng; d) Phân đạm; phân NPK; đ) Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; e) Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; g) Muối ăn; h) Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; i) Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; k) Thóc, gạo tẻ thường; l) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Danh mục tại Luật năm 2023 gồm 9 nhóm hàng hóa, dịch vụ là: Xăng, dầu thành phẩm; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; Thóc tẻ, gạo tẻ; Phân đạm; phân DAP; phân NPK; Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Thuốc bảo vệ thực vật; Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, đối chiếu 2 danh mục trên thì Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá  theo Luật năm 2023 đã bổ sung mặt hàng Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng điện, muối ăn và đường ăn.

Đồng thời, tại Luật năm 2023 đã quy định rõ: Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Quy định này nhằm đảm bảo trong trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

3. Quy định cụ thể về việc kê khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá

- Kê khai giá

Theo quy định của Luật Giá năm 2012 và Nghị định hướng dẫn thi hành thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá thực hiện kê khai giá bằng việc gửi thông báo mức giá kê khai đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông báo kê khai giá trước khi định giá, điều chỉnh giá, trong khi đó theo Luật năm 2023 thì Tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng kê khai giá tự quyết định giá hàng hóa, dịch vụ, có trách nhiệm kê khai giá lần đầu và kê khai lại giá sau khi quyết định giá theo quy định. Như vậy, theo quy định của Luật mới thì việc kê khai giá được thực hiện sau khi doanh nghiệp quyết định giá. Việc điều chỉnh này là phù hợp với thực tế và khắc phục được những bất cập trong quy định trước đây.

Luật mới cũng bổ sung quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.

- Niêm yết giá: Nội dung niêm yết giá cơ bản cập nhật quy định cũ và quy định cụ thể hơn việc niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng; không được bán cao hơn giá niêm yết…

- Giá Tham chiếu: Luật năm 2023 bổ sung quy định về giá tham chiếu: Giá tham chiếu là mức giá của hàng hóa, dịch vụ tại thị trường trong nước, quốc tế do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố để các cơ quan và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho việc thỏa thuận, quyết định giá hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời giao cho Chính phủ quyết định hàng hóa, dịch vụ áp dụng giá tham chiếu và quy định việc công bố, sử dụng giá tham chiếu.

4. Bổ sung nhiều quy định về doanh nghiệp thẩm định giá

So với Luật năm 2012 thì Luật năm 2023 quy định cụ thể về Doanh nghiệp thẩm định giá, Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá; Chứng thư thẩm định giá và báo Báo cáo thẩm định giá; Quyền, nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; Xác định giá dịch vụ thẩm định giá; Phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng thẩm định giá. Cụ thể:

+ Đối với Thẻ thẩm định viên về giá: Luật quy định chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản. Theo đó, Thẻ thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa theo lĩnh vực gồm: thẩm định giá tài sản (bất động sản, động sản và các hàng hóa, dịch vụ thông thường) và thẩm định giá doanh nghiệp (doanh nghiệp, tài sản tài chính, tài sản vô hình...)

Điều kiện dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá được quy định ngay trong luật, cụ thể: a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; c) Có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá phù hợp với lĩnh vực chuyên môn dự thi do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo về thẩm định giá cấp, trừ trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá hoặc thẩm định giá.

Như vậy, tại Luật năm 2023 đã bỏ điều kiện có thời gian công tác thực tế từ 36 tháng trở lên khi dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá.

Việc bỏ điều kiện này tạo điều kiện cho các đối tượng tham dự thi được ghi nhận kiến thức về mặt thẩm định giá, góp phần định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn.

+ Đăng ký hành nghề thẩm định giá: Theo Luật năm 2023 thì người đăng ký hành nghề thẩm định giá chỉ thực hiện sau khi có thẻ thẩm định viên về giá và đáp ứng các điều kiện sau: a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; b) Có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đang còn hiệu lực với doanh nghiệp mà người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá, trừ trường hợp người có thẻ thẩm định viên về giá là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; c) Có tổng thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá với trình độ đại học trở lên từ đủ 36 tháng. Trường hợp làm việc với trình độ đại học trở lên về chuyên ngành giá hoặc thẩm định giá theo chương trình định hướng ứng dụng theo quy định của pháp luật thì tổng thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá từ đủ 24 tháng; d) Đã cập nhật kiến thức về thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính, trừ trường hợp thẻ thẩm định viên về giá được cấp dưới 01 năm tính đến thời điểm đăng ký hành nghề; đ) Không thuộc đối tượng không được hành nghề thẩm định giá bao gồm cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng…

Kết quả của việc đăng ký hành nghề thẩm định giá đó là được Bộ Tài chính thông báo là thẩm định viên về giá. Như vậy, Luật năm 2023 đã khắc phục được những hạn chế của Luật năm 2012 và các văn bản hướng dẫn là chỉ quy định về Tiêu chuẩn của thẩm định viên về giá nhưng không quy định cách thức xác nhận một người được coi là thẩm định viên về giá nên chưa bảo đảm tính chặt chẽ, có thể gây nhầm lẫn khi coi người có Thẻ thẩm định viên về giá đồng thời là thẩm định viên về giá. Tuy nhiên, Luật năm 2023 đã quy định rất rõ ràng định thẩm định viên về giá phải là những người có Thẻ thẩm định viên và đang hành nghề thẩm định giá tại các doanh nghiệp thẩm định giá. Điều kiện để đăng ký hành nghề phải là người có Thẻ thẩm định viên có kinh nghiệm 36 tháng làm việc thực tế tại doanh nghiệp thẩm định giá để nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá.

Đồng thời để khắc phục những quy định chồng chéo, mâu thuẫn tại các luật chuyên ngành làm ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá. Tại tự thảo Luật quy định rõ thẩm định viên về giá được tham gia các hoạt động tư vấn xác định giá tất cả các tài sản, hàng hóa, dịch vụ mà không phải trang bị thêm các chứng chỉ, điều kiện chuyên môn khác, cụ thể điểm a khoản 1 Điều 47 Luật năm 2023 quy định quyền của thẩm định viên về giá: “Hành nghề thẩm định giá theo quy định của Luật này; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá theo lĩnh vực chuyên môn; được phép hành nghề mà không phải trang bị thêm các chứng chỉ, điều kiện chuyên môn khác với quy định của Luật này”.

+ Đối với điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá: Luật năm 2023 đã có những thay đổi so với Luật năm 2012 như: nâng điều kiện số lượng thẩm định viên tại doanh nghiệp thẩm định giá từ 3 lên có ít nhất 5 thẻ thẩm định viên về giá. Đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần thì Luật năm 2023 quy định tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn, cổ đông là thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

+ Về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá: Luật năm 2023 bổ sung một điều quy định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá giúp cho doanh nghiệp thẩm định giá nắm được rõ ràng các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, đặc biệt những trường hợp phát sinh như  người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không còn là thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp hoặc không còn đáp ứng điều kiện quy định, Trường hợp không đủ số lượng thẩm định viên về giá tối thiểu...

Như vậy, Luật Giá năm 2023 được ban hành với nhiều thay đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giá, là hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, cũng là công cụ quản lý vững chắc của nhà nước. Những thay đổi về điều kiện kinh doanh, về các hoạt động liên quan đến giá đòi hỏi các doanh nghiệp phải có kế hoạch, định hướng rõ ràng nhằm chuẩn bị và thích ứng trong môi trường mới. Qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí vật chất, phát huy nội lực để phát triển.

Ngân Hà