Nghiên cứu, trao đổi

Những điểm mới cần lưu ý của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
Ngày đăng 11/10/2023 | 15:26  | Lượt xem: 250

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 thông qua ngày 09/01/2023; Luật gồm 12 chương và 121 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 và thay thế Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. So với Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Luật Khám chữa bệnh năm 2023 có một số điểm mới nổi bật.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 thông qua ngày 09/01/2023; Luật gồm 12 chương và 121 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 và thay thế Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. So với Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Luật Khám chữa bệnh năm 2023 có một số điểm mới nổi bật như sau:

1. Quy định về cấp mới giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Nếu Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 (sau đây gọi là Luật năm 2009) sử dụng thuật ngữ “chứng chỉ hành nghề” thì Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (sau đây gọi là Luật năm 2023) đã thay thế thành “giấy phép hành nghề”. Theo đó, Điều 26 Luật năm 2009 quy định thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề của Bộ trưởng Bộ Y tế nghề đối với các trường hợp sau đây: a) Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế; b) Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; c) Người nước ngoài đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam và Giám đốc Sở Y tế cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

Điều 30 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 về cấp mới giấy phép hành nghề có một số điểm cần lưu ý, như sau:

Thứ nhất, các trường hợp được cấp mới giấy phép hành nghề:

Người lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hành nghề.

Người hành nghề thay đổi chức danh chuyên môn đã được ghi trên giấy phép hành nghề.

Người bị thu hồi giấy phép hành nghề thuộc trường hợp cấp mới theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai, điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng:

Được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc có giấy phép hành nghề được thừa nhận.

Có đủ sức khỏe để hành nghề.

Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài.

Thứ ba, điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền, gồm:

Có giấy chứng nhận lương y hoặc giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Như vậy, so với Điều 26 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã quy định cụ thể hơn về cấp mới giấy phép hành nghề cho điều dưỡng khi họ được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và có đủ sức khỏe để hành nghề. Những đối tượng trên sẽ được tiếp tục gia hạn giấy phép hành nghề áp dụng đối với trường hợp giấy phép hành nghề hết hạn. Tuy nhiên, khi gia hạn giấy phép hành nghề thì các đối tượng trên vẫn sẽ phải đáp ứng những điều kiện tương tự đồng thời khi gia hạn sẽ chuẩn bị những hồ sơ, thủ tục theo quy định tại Điều 32 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023.

2. Các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Khoản 4 Điều Điều 18 Luật Khám chữa bệnh năm 2009 quy định các trường hợp người đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì không được cấp chứng chỉ hành nghề.

Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã quy định cụ thể, giới hạn hơn các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh so với quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Khám chữa bệnh năm 2009, cụ thể:

Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.

Người đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.

Người đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Người đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Người đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, đối với các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì chủ yếu những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đang là bị cáo trong vụ án hình sự hoặc liên quan chấp hành một quyết định hay một biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật hình sự.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định 14 nhóm hành vi bị cấm thì Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 ngoài việc kế thừa các hành vi bị cấm tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã quy định thêm các hành vi bị nghiêm cấm so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 bao gồm:

- Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

- Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Có hành vi nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi.

- Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh hoặc lập hồ sơ bệnh án giả hoặc lập hồ sơ bệnh án và các giấy tờ khống khác về kết quả khám bệnh, chữa bệnh.

- Từ chối tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp theo quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền.

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không có giấy phép hoạt động; Đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; Không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, trừ trường hợp cấp cứu hoặc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.

- Lợi dụng hình ảnh, tư cách của người hành nghề để phát ngôn, tuyên truyền, khuyến khích người bệnh sử dụng phương pháp khám bệnh, chữa bệnh chưa được công nhận.

- Đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

4. Quy định cụ thể hơn về nguyên tắc đăng ký hành nghề

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chưa quy định rõ nguyên tắc đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh nhưng Luật Khám, chữa bệnh năm 2023 (Điều 36) đã quy định cụ thể hơn về nguyên tắc đăng ký hành nghề như sau:

- Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được trùng thời gian khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Người hành nghề được đăng ký làm việc tại một hoặc nhiều vị trí chuyên môn sau đây trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng phải bảo đảm chất lượng công việc tại các vị trí được phân công: Khám bệnh, chữa bệnh theo giấy phép hành nghề; Phụ trách một bộ phận chuyên môn; Chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp sau đây: Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám, chữa bệnh trừ cấp cứu viên ngoại viện; Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn câp; Khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt; Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn; Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

5. Bổ sung thêm các trường hợp nhân viên y tế được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh

Điều 32 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định người hành nghề có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình hoặc nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

Điều 40 Luật Khám, chữa bệnh năm 2023 đã quy định bổ sung thêm các trường hợp nhân viên y tế được quyền từ chối khám, chữa bệnh, gồm: Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ (trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không làm chủ được hành vi); Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn, kỹ thuật; Người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, điều trị của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động, thuyết phục mà việc này ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

6. Đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Luật năm 2009 không quy định hàng năm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tự đánh giá chất lượng theo bộ tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Y tế ban hành và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá, cũng như công khai thông tin về chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã bổ sung quy định này.

7. Quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Điều 87 Luật năm 2009 mới chỉ quy định  Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoạt động không vì mục đích lợi nhuận thì Điều 109 Luật Khám, chữa bệnh năm 2023 đã quy định rõ hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám, chữa bệnh bao gồm: Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế; Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan

8. Quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Điều 88 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 mới chỉ quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là số tiền phải trả cho mỗi dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không quy định rõ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Điều 110 Luật năm 2023 đã chỉ rõ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh gồm: Chi phí nhân công bao gồm tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định; Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và các khoản chi phí trực tiếp khác; Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định; Chi phí quản lý bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, chi phí quản lý chất lượng, lãi vay (nếu có) và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

9. Về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề

Luật năm 2023 đã quy định cụ thể hơn về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề, cụ thể:

- Để tăng cường việc quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề và thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác khám bệnh, chữa bệnh, Luật Khám chữa bệnh năm 2023 đã quy định mở rộng đối tượng hành nghề - thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề. Cụ thể, Luật thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề. Đồng thời, Luật quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề

- Quy định người nước ngoài hành nghề hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.

- Quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Cùng với đó, Luật cũng có các quy định về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể: Bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh, đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.

Luật cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ; Phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên.

- Bổ sung một số quy định về tài chính: Bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó Luật khẳng định "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh củaNhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao". Bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được: Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Luật cũng Quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.

- Luật năm 2023 đã quy định cụ thể về huy động, điều động người tham gia hoạt động khám, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cụ thể:

+ Điều 115 quy định người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả người nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam; Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy phép hành nghề; Học viên, sinh viên, học sinh đang học trong cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe; người thuộc đối tượng được cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp giấy phép hành nghề tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp nếu được huy động, điều động.

+ Điều 116 quy định việc huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp quy định: Thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này để thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp mà không cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Luật này và không phải cấp mới giấy phép hoạt động. Việc huy động, điều động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp (kể cả trường hợp việc khám bệnh, chữa bệnh khác với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) mà không phải bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn.

Như vậy, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân. Luật 2023 đã cụ thể hóa chủ trương của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; Đồng thời, đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh; Tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời tạo môi trường để các loại hình khám chữa bệnh cạnh tranh công bằng và bình đẳng trong quá trình phát triển.

HT.