Nghiên cứu, trao đổi

Những điểm cần lưu ý, điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023
Ngày đăng 24/11/2023 | 17:28  | Lượt xem: 383

Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (gọi tắt là Luật năm 2023, Luật năm 2010). Luật năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, gồm 07 Chương, 80 điều, trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, vừa bổ sung các quy định mới điều chỉnh những vấn đề của thực tế.

Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (gọi tắt là Luật năm 2023, Luật năm 2010). Luật năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, gồm 07 Chương, 80 điều, trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, vừa bổ sung các quy định mới điều chỉnh những vấn đề của thực tế. Cụ thể như:

Thứ nhất, sửa đổi phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, theo đó người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích tiêu dùng, sinh hoạt và không vì mục đích thương mại. Đây là điểm mới của Luật năm 2023 so với Luật năm 2010 chỉ định nghĩa người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt cá nhân, gia đình, tổ chức.

Luật 2023 bổ sung thêm chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó, hoàn thiện các quy định về giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bổ sung, hoàn thiện quy định về bán hàng trực tiếp phù hợp với môi trường kinh doanh và tiêu dùng trong thời kỳ phát triển kinh tế số.

Bổ sung thêm quy định mới về hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó, đưa ra các nguyên tắc hợp tác, phạm vi hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại các quốc gia. Về đối tượng áp dụng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã khoanh vùng khái niệm người tiêu dùng theo hướng bỏ đối tượng “tổ chức” ra khỏi khái niệm người tiêu dùng để chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình. Cách xác định này giúp cơ quan, tổ chức thuận lợi trong việc thực thi các quy định, tránh các tranh cãi, sự không thống nhất trong cách hiểu giữa các chủ thể.

Bên cạnh đó, cách giải thích này giúp tập trung nguồn lực để giải quyết các yêu cầu, khiếu nại liên quan đến các cá nhân mà không phải phân tán vào việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng là tổ chức, vốn có đầy đủ khả năng sử dụng các công cụ hỗ trợ hiệu quả khác như pháp luật cạnh tranh, pháp luật về thương mại, quy định đối tượng áp dụng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những tổ chức này có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các quyền lợi người tiêu dùng.

Quy định mở rộng đối tượng áp dụng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không giới hạn chỉ là các chủ thể liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Để bảo vệ người tiêu dùng yếu thế, Điều 8 Luật năm 2023 đã bổ sung thêm 07 đối tượng được coi là người tiêu dùng dễ bị tổn thương gồm: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, phụ nữ mang thai,nuôi con dưới 3 tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, thành viên hộ nghèo. Luật quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, trong việc đảm bảo quyền ưu tiên của hộ trong quá trình mua bán, sản phẩm, hàng hóa; trong việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại.

Thứ hai, Luật năm 2023 quy định người tiêu dùng có 11 quyền, tăng hơn so với quy định tại Điều 8 Luật năm 2010. Cụ thể, Luật năm 2023 bổ sung các quyền sau đây: Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan trong khi Luật năm 2010 chỉ quy định người tiêu dùng có hai nghĩa vụ. Nghĩa vụ của người tiêu dùng được bổ sung tại Luật năm 2023 gồm: Lựa chọn mua sắm hàng hoá, dịch vụ không làm tổn hại đến môi trường; Tuân thủ điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật (quy định cũ đang là thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng); Chịu trách nhiệm khi cung cấp không đúng/đầy đủ thông tin về giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; Nghĩa vụ khác...

Thứ Ba, Luật năm 2023 bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm so với Luật năm 2010 gồm: Ép buộc người tiêu dùng thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng; Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh; Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh; Đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng; Không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng; Quy định điều khoản không được phép tại Điều 25 của Luật này trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng trái quy định của pháp luật.

Đồng thời, Luật mới còn cấm tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi sau: Bắt người khác phải đặt cọc, nộp tiền/mua hàng hoá nhất định để tham gia bán hàng đa cấp; Cung cấp thông tin gian dối, khiến người tiêu dùng, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp nhầm lẫn; Không có giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Kinh doanh đa cấp với dịch vụ, hình thức khác không phải mua bán hàng hoá trừ trường hợp luật có quy định khác; Phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không dựa trên việc mua bán hàng hoá; Vi phạm các hành vi bị cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ tư, Luật bổ sung quy định mới về bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, thêm đối tượng phải bồi thường thiệt hại, bổ sung thêm đối tượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng kể cả khi không biết, không có lỗi. Luật 2023 quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá; Gắn tên thương mại lên sản phẩm, hàng hoá hoặc dùng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại khác cho phép nhận biết đó là bên sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá; Hoạt động trung gian thương mại với sản phẩm, hàng hoá… nếu không xác định được các đối tượng phải bồi thường thì bên trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hoá cho người tiêu dùng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trừ trường hợp luật có quy định khác.

Nếu nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh ở trên cùng gây thiệt hại thì các bên phải liên đới chịu bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Việc bồi thường thực hiện theo thoả thuận và được quy định theo pháp luật về dân sự và quy định khác. Như vậy, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật năm 2023 đã bổ sung thêm 02 đối tượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu sản phẩm, hàng hoá bị lỗi, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng thậm chí gây thiệt hại cho người tiêu dùng là: Bên hoạt động trung gian thương mại; Cá nhân, tổ chức khác có liên quan theo quy định.

Thứ năm, song song với việc thêm đối tượng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Luật mới quy định tại Điều 35 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bổ sung thêm trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được không thể phát hiện được sản phẩm, hàng hoá bị lỗi với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hoá gây thiệt hại; Đã áp dụng mọi biện pháp thương lượng, hoà giải và đã được người tiêu dùng tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố tình sử dụng sản phẩm, hàng hoá bị lỗi và gây ra thiệt hại và các trường hợp khác. Trong khi đó, tại Luật cũ chỉ quy định một trường hợp duy nhất là khi chứng minh được hàng lỗi này không thể phát hiện với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm hàng hoá được cung cấp đến tay người tiêu dùng.

Thứ sáu, quy định về giao dịch từ xa lần đầu tiên được quy định cụ thể trong Luật năm 2023. Trước đó, tại Nghị định số 99/2011/NĐ-CP chỉ quy định về hợp đồng giao kết từ xa. Theo khoản 5 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, giao dịch từ xa được hiểu là giao dịch thực hiện qua mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch. Hiểu một cách đơn giản, giao dịch từ xa là giao dịch được thực hiện online hoặc bằng bất kỳ phương thức nào mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hoá trước khi tham gia vào giao dịch.

Luật năm 2023 đã quy định một số vấn đề liên quan đến giao dịch từ xa như: Do tính chất là giao dịch không được tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hoá nên các bên phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin sau đây: Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc mã số doanh nghiệp… Số lượng, chất lượng, công dụng, giá cả, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng… của hàng hoá, dịch vụ; Phí giao hàng (nếu có); Thời hạn thanh toán; cách bán hàng hoặc cung cấp sản phẩm, điều kiện đổi, trả hàng hoá nếu bị lỗi… Chi tiết về công dụng, cách sử dụng, bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ…

Thứ bảy, Luật 2023 bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù như đối với các giao dịch trên không gian mạng, bổ sung một số quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng, làm rõ khái niệm tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, khái niệm nền tảng số, nền tảng trung gian số; Quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng trung gian số cho người tiêu dùng có trách nhiệm thực hiện bổ sung một số nội dung như: chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trọng việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;... Đối với quy định về bán hàng trực tiếp, dự luật bổ sung nhiều quy định mới gồm: làm rõ khái niệm bán hàng trực tiếp, phân loại bán hàng trực tiếp ; bỏ sung trách nhiệmc ủa tổ chức, cá nhân kinh doanh về việc thông báo về hoạt động bán hàng tận cửa tới Ủy ban nhân đân cấp xã nơi thực hiện hán hàng trước khi thực hiện, đồng thời luật cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của cá nhân bán hàng tận cửa. Đối với bán hàng đa cấp, dự luật đã ghi nhận về bán hàng đa cấp và trách nhiệm của tổ chức bán hàng đa cấp, tạo cơ sở pháp lý cao cho việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cũng như bảo về quyền lợi người tiêu dùng trong quan hệ này với các nội dung như: Quy định trách nhiệm mua lại sản phẩm theo yêu cầu của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng, chịu trách nhệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp; quy định việc lập hợp đồng bằng văn bản giữa tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp, về nội dung cơ bản của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;... Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung, quy định mới nhiều nội dung liên quan đến hoạt động bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ tại các địa điểm không phải là địa điểm bán lẻ, giới thiệu dịch vụ thường xuyên,...

Thứ tám, Luật 2023 thêm trường hợp không được thương lượng, hòa giải, cũng giống như Luật năm 2010, tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và người kinh doanh sẽ được giải quyết thông qua một trong các hình thức: Thương lượng, hoà giải, trọng tài, toà án. Tuy nhiên, có 03 trường hợp không được thương lượng, hoà giải dưới đây: Xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và công cộng, Vi phạm điều cấm của luật/trái đạo đức xã hội, Gây thiệt hại cho lợi ích của nhiều người tiêu dùng trừ trường hợp xác định được cụ thể số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại. Trong khi khoản 2 Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 chỉ quy định một trường hợp duy nhất là khi tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của nhiều người tiêu dùng và lợi ích công cộng.

Do vậy, để hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, Luật 2023 đã quy định bỏ quy định về giải quyết yêu cầu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện; Bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận, hỗ trợ/giải quyết yêu cầu tổ chức thương lượng do người tiêu dùng yêu cầu tại cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng; Hoàn thiện quy định về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người diêu dùng theo hướng đề nghị quy định sửa đổi, bổ sung đối với Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự;...

Trên đây là một số điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, các doanh nghiệp cần lưu ý và nắm rõ để phòng ngừa và tránh các vấn đề phát sinh, những vấn đề khúc mắc với người tiêu dùng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình./.

Doha