NGƯỜI TỐT - VIỆC TỐT

Cán bộ Tư pháp trẻ với mong muốn cải thiện dịch vụ công trực tuyến
Ngày đăng 30/11/2017 | 21:28  | Lượt xem: 286

Nếu công dân có thể tiếp cận các thủ tục hành chính bằng thao tác chạm vào một biểu tượng trên phần mềm điện thoại dễ dàng như chạm vào biểu tượng facebook, google thì đây sẽ là bước tiến lớn của công tác cải cách hành chính. Cần tạo ra một môi trường điện tử đơn giản để mỗi công dân có điện thoại thông minh đều có thể trở thành công dân điện tử”, anh Trịnh Tất Thắng, cán bộ tư pháp phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm mong muốn.

“Đây là một cán bộ trẻ nhưng đầy tâm huyết, trách nhiệm, gương mẫu trong công việc. Anh Thắng cũng có khá nhiều sáng kiến, sáng tạo để giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính thuận tiện hơn”, chị Ngô Hồng Thủy, Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm giới thiệu về anh Trịnh Tất Thắng. Theo chị Thủy, đây là một cán bộ tư pháp cơ sở tiêu biểu, nhất là trong thực hiện kỷ cương hành chính của quận Hoàn Kiếm.

Anh Thắng cho biết rất tâm đắc với các quy định về thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính của thành phố. “Thực tiễn giải quyết công việc của cấp phường cho thấy, nếu kỷ cương hành chính được thực hiện nghiêm túc, thì tình trạng phiền hà, sách nhiễu cho công dân sẽ không còn”, anh Thắng nói.

Phường Đồng Xuân hiện có hơn 12.000 nhân khẩu, nên số lượng thủ tục hành chính phải giải quyết không nhỏ và phần lớn thủ tục hành chính tại cấp phường lại thuộc lĩnh vực tư pháp, hộ tịch. Thế nhưng, nhờ sự linh hoạt của cán bộ, việc giải quyết thủ tục tư pháp hộ tịch tại phường Đồng Xuân được đánh giá là khá thuận lợi. Anh Thắng dẫn ví dụ, khi công dân cần làm thủ tục khai tử, nếu lãnh đạo phường đi vắng, chưa thể ký chứng tử được ngay thì cán bộ tư pháp đã soạn sẵn mẫu đơn xin xác nhận của Công an phường, thay thế tạm thời cho giấy chứng tử để người dân đi làm các thủ tục liên quan đến mai táng. Hay để xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân, sổ lưu về tình trạng hôn nhân ở phường Đồng Xuân hiện chỉ có từ năm 2000 trở lại đây, nên việc xác nhận từ năm 2000 trở về trước khá phức tạp, cán bộ phải tận tình hướng dẫn công dân và tự xác minh.

Để sử dụng thời gian làm việc thật khoa học, hiệu quả, anh Thắng và một số đồng nghiệp đã xây dựng “khóa thời gian” và được lãnh đạo UBND phường Đồng Xuân cho áp dụng thử nghiệm từ tháng 3/2017 tại Bộ phận một cửa mà anh Thắng là nhóm trưởng.

“Khóa thời gian” là kế hoạch công tác tuần, ghi cụ thể công việc cần giải quyết trong ngày theo từng 30 phút. Trong “khóa thời gian”, ngoài nội dung công việc cần làm, còn có mục ghi kết quả, kiến nghị và những vấn đề cần rút kinh nghiệm. “Kế hoạch công tác tuần này đã giúp tăng tính chủ động cho mỗi cán bộ, công chức. Đồng thời, nhìn vào mục kiến nghị, cán bộ phụ trách cũng biết nhân viên của mình gặp khó khăn, vướng mắc gì để giải quyết công việc”, anh Thắng nói. Sau 6 tháng thực hiện, ý tưởng này đã được sơ kết, rút kinh nghiệm. Nhiều ý kiến cho rằng cần thí điểm rộng rãi, chỉnh sửa những biểu mẫu để thuận tiện hơn trong việc nhập thông tin nên anh Thắng đang tiếp tục nghiên cứu, cải thiện.

Một đề tài khác cũng đang được cán bộ tư pháp này ấp ủ là lập phần mền ứng dụng công dân điện tử thành phố Hà Nội trên điện thoại di động. Theo anh Thắng, hiện nay thành phố đang triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên nền tảng web và chưa đem lại nhiều hiệu quả như mong đợi. “Hiện, hầu hết người dân đều dùng điện thoại thông minh, nên sẽ rất thuận tiện nếu xây dựng được môi trường giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến dựa trên phần mềm điện thoại”, anh Thắng nói.

Anh Thắng cho hay, biểu tượng phần mềm ứng dụng công dân điện tử cần được thiết lập tương tự như biểu tượng chữ “F” để truy cập vào facebook, chữ Grap, Uber để đặt xe trực tuyến… Khi đó, để làm dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội, thay bằng phải gõ cả tên miền: www.egov.hanoi.gov.vn khá dài và khó nhớ, người sử dụng dịch vụ chỉ cần nhấp vào biểu tượng là truy cập được. Phần mềm này sẽ tích hợp và bổ sung thêm các thủ tục hành chính có thể thực hiện ở mức độ 3 và 4, công dân sẽ nhận được thông báo ngay khi việc cập nhật được tiến hành.

Theo anh Thắng, một số thủ tục hành chính yêu cần phải đính kèm tài liệu để kiểm tra đối chiếu, nếu sử dụng máy tính thì cần phải có máy scan, chụp ảnh rồi kết nối với máy tính mới thực hiện được. Nhưng với điện thoại thì có thể sử dụng camera của điện thoại để scan tài liệu, giấy tờ, nên sẽ thuận tiện hơn. Trong phần mền này, các thông tin cơ bản của người dân như: tên tuổi, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, vợ chồng, con cái, số chứng minh thư… chỉ cần khai một lần lúc đăng nhập lần đầu, sau này khi thực hiện các thủ tục khác sẽ không cần nhập lại.

Hiện nay, thành phố đang triển khai các dịch vụ công trực tuyến khác nhau như: cấp hộ chiếu, lý lịch tư pháp, đăng ký kinh doanh... nếu không thể tích hợp vào phần mềm trên thì có thể tạo thành đường dẫn để từ phần mềm điện thoại có thể đăng nhập thẳng tới trang web thực hiện các dịch vụ này. Bên cạnh đó, phần mềm này có thể tích hợp thêm các mục được nhiều người dân quan tâm như thông tin về trường học tốt, địa điểm du lịch văn hóa đặc biệt, địa điểm ăn uống được công nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các danh sách khuyến cáo về vi phạm vệ sinh môi trường… Hoặc nếu người dân đăng ký nhận thông báo từ phần mềm, họ có thể nhận được các thông báo về cắt điện, cắt nước tại nơi đang sinh sống, các hoạt động văn hóa sắp diễn ra, các cảnh báo lừa đảo, khuyến cáo về thời tiết... Còn chính quyền có thể tiếp nhận các phản ánh kiến nghị nóng, các sáng kiến của công dân qua ứng dụng này.

Anh Thắng cho rằng, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên một phần mềm điện thoại thông minh sẽ là giải pháp giúp các dịch vụ công trực tuyến đến gần với người dân hơn. Điều quan trọng theo anh Thắng là xây dựng phần mềm này không khó, chi phí cũng không tốn kém, và có thể thực hiện song song với kế hoạch xây dựng web để người dân có thể lựa chọn cả hai phương pháp thực hiện dịch vụ công trực tuyến.