lĩnh vực khác

Việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc được thực hiện như thế nào? 
Ngày đăng 29/07/2022 | 21:16  | Lượt xem: 245

Ông Vinh là thành viên của tổ chức tôn giáo M. Ông cho biết, Hiến chương của tổ chức tôn giáo M không quy định về việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc. Vậy tổ chức tôn giáo M có thể thực hiện chia, tách, sáp nhập, hợp nhất

 

tổ chức tôn giáo trực thuộc không? Việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc được pháp luật quy định như thế nào? 

Trả lời:

- Khoản 13 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định “Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo”.

- Điều 27 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định Thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc:

“1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; chia, tách tổ chức tôn giáo trực thuộc thành nhiều tổ chức tôn giáo trực thuộc mới; sáp nhập tổ chức tôn giáo trực thuộc vào một tổ chức tôn giáo trực thuộc khác; hợp nhất các tổ chức tôn giáo trực thuộc thành một tổ chức tôn giáo trực thuộc mới.

2. Sau khi chia, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc bị chia được chuyển giao cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc mới.

3. Sau khi tách, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị tách và tổ chức tôn giáo trực thuộc được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình phù hợp với mục đích hoạt động.

4. Sau khi sáp nhập, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc bị sáp nhập được chuyển giao cho tổ chức tôn giáo trực thuộc mà tổ chức đó được sáp nhập vào.

5. Sau khi hợp nhất, các tổ chức tôn giáo trực thuộc cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm tổ chức tôn giáo trực thuộc mới được thành lập; quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo trực thuộc cũ được chuyển giao cho tổ chức tôn giáo trực thuộc mới”.

- Điều 28 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

“1. Hiến chương của tổ chức tôn giáo có quy định về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc;

2. Hoạt động của tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất không thuộc trường bị nghiêm cấm quy định tại Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo;

3. Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở”.

- Điều 24 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định Sửa đổi hiến chương của tổ chức tôn giáo như sau:

“1. Tổ chức tôn giáo khi sửa đổi hiến chương phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật này. Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, người đại diện, nội dung, lý do sửa đổi kèm theo hiến chương sửa đổi.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

3. Tổ chức tôn giáo được hoạt động theo hiến chương sửa đổi kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu Hiến chương của tổ chức tôn giáo M không quy định về việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo  thì không đảm bảo điều kiện để thực hiện chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc. Để thực hiện việc này, tổ chức tôn giáo  M có thể sửa đổi Hiến chương của tổ chức quy định về những vấn đề liên quan đến việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc. Việc sửa đổi hiến chương của tổ chức tôn giáo thực hiện theo Điều 24 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Thu Hường