LAO ĐỘNG - BẢO HIỂM

Trách nhiệm hoàn thành xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động
Ngày đăng 14/06/2019 | 00:00  | Lượt xem: 214

Vì xin được việc mới phù hợp hơn, lại bị yêu cầu đi làm ngay nên em chưa kịp xin nghỉ tại nơi làm cũ. Công ty thông báo em bị sa thải. Em chấp nhận, kể cả bỏ luôn tiền lương tháng cuối, nhưng họ lần lữa không xác nhận thời gian em làm ở đây và trả sổ bảo hiểm cho em.  

Vì xin được việc mới phù hợp hơn, lại bị yêu cầu đi làm ngay nên em chưa kịp xin nghỉ tại nơi làm cũ. Công ty thông báo em bị sa thải. Em chấp nhận, kể cả bỏ luôn tiền lương tháng cuối, nhưng họ lần lữa không xác nhận thời gian em làm ở đây và trả sổ bảo hiểm cho em.

Biết là mình có lỗi, song trong trường hợp này, họ có quyền không thanh toán tiền lương và giữ lại sổ bảo hiểm của em hay không?

Trả lời

Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức, sa thải là các hình thức kỷ luật lao động mà người sử dụng lao động có thể áp dụng đối với người lao động vi phạm.

Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Một trong những trường hợp người sử dụng được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải, theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 là: “Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động’.

Khi áp dụng xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải, hai bên đã chấm dứt hợp đồng lao động với nhau.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Điều 47 của Bộ luật này. Cụ thể:

Theo khoản 2 của Điều này, “trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày”.

Không chỉ người sử dụng lao động, mà cả bạn cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trong đó có các khoản liên quan đến quyền lợi của mỗi bên cho nhau. Điều đó đồng nghĩa, Công ty nơi bạn làm việc phải thanh toán đầy đủ tiền lương còn nợ bạn trong thời hạn 07 ngày. Trường hợp đặc biệt, theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ, thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc một trong các trường hợp sau:

“1. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

2. Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

3. Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo Điều 44 của Bộ luật lao động hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo Điều 45 của Bộ luật lao động.”

Trường hợp của bạn là chấm dứt hợp đồng do người sử dụng lao động sa thải người lao động. Thời hạn để Công ty thanh toán tiền lương còn lại của bnaj là 07 ngày.

Theo khoản 2 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động “được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội”. Đồng thời, khoản 3 Điều 19 của Luật này quy định người lao động có trách nhiệm “quản lý sổ bảo hiểm xã hội”.

Cho nên, quy định tại 3 Điều 47 của Bộ luật Lao động năm 2012 “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động” được hiểu là: Công ty đã sa thải bạn có trách nhiệm hoàn thành xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng những giấy tờ khác mà họ đã giữ lại của bạn.

Nếu họ cố ý không trả sổ bảo hiểm cho bạn, bạn có thể làm đơn khiếu nại trực tiếp đến công ty hoặc thông qua tổ chức Công đoàn tại công ty. Bạn cũng có thể gửi đơn đến Thanh tra lao động thuộc Phòng Lao động Thương binh - xã hội để cơ quan này giải quyết buộc công ty trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho bạn.

Bên cạnh đó, nếu không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, Công ty bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013, sửa đổi bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ theo một trong các mức sau đây:

“a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.

Đồng thời, theo điểm b khoản 3 của Điều này, Công ty bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều này”.

Ngọc Đức