LAO ĐỘNG - BẢO HIỂM

Nghỉ không hưởng lương bao nhiêu ngày thì không đóng bảo hiểm xã hội?
Ngày đăng 14/06/2019 | 18:00  | Lượt xem: 257

Thời gian đầu năm 2019, tôi có việc riêng xin nghỉ một số ngày. Công ty nơi tôi làm việc thông báo những ngày đó cả Công ty và tôi thuộc trường hợp không phải đóng bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa, tôi cũng không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

Thời gian đầu năm 2019, tôi có việc riêng xin nghỉ một số ngày. Công ty nơi tôi làm việc thông báo những ngày đó cả Công ty và tôi thuộc trường hợp không phải đóng bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa, tôi cũng không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi nên mong các anh chị cho biết, Công ty thực hiện như vậy là đúng hay sai?

Trả lời

Bạn không nói rõ lý do nghỉ việc một số ngày thuộc trường hợp có được hưởng lương hay không. Cho nên, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được quy định tại Điều 116 Bộ luật Lao động năm 2012 như sau:

“1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”.

Theo đó, nếu là nghỉ việc riêng với số ngày nghỉ quy định tại khoản 1 Điều 116 nêu trên, bạn được hưởng nguyên lương.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết cho bạn nghỉ không hưởng lương 01 ngày, nếu bạn thông báo cho họ khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. Ngoài ra, hai bên có thể thỏa thuận để người lao động nghỉ không hưởng lương.

Theo khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, “người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.

Căn cứ quy định nêu trên, điều kiện để không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong tháng là người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng. Điều đó đồng nghĩa, nếu số ngày nghỉ không hưởng lương của bạn trong tháng ít hơn 14 ngày thì vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

Tất nhiên, thời gian không đóng bảo hiểm cũng không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp bạn nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Điều 157 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nghỉ thai sản như sau:

“1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

Tóm lại, nếu bạn nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng nhưng những ngày nghỉ này là nghỉ thai sản thì tháng đó vẫn đóng bảo hiểm xã hội như bình thường.

Thu Hường