HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Thường xuyên mắng chửi vợ con có phải hành vi bạo lực gia đình không?
Ngày đăng 22/09/2019 | 21:52  | Lượt xem: 346

Cháu năm nay 15 tuổi. Cháu có một việc muốn hỏi như sau: Bố cháu vì vi phạm khuyết điểm nên bị người ta đuổi việc. Do từ ngày mất việc ở nhà không có thu nhập nên bố trở nên cục cằn, hung hăng, thường xuyên cáu gắt mắng chửi thô bạo mẹ con cháu từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác. Cháu cháu muốn hỏi có cách nào để bố cháu dừng lại những hành vi trên không?  

Cháu năm nay 15 tuổi. Cháu có một việc muốn hỏi như sau: Bố cháu vì vi phạm khuyết điểm nên bị người ta đuổi việc. Do từ ngày mất việc ở nhà không có thu nhập nên bố trở nên cục cằn, hung hăng, thường xuyên cáu gắt mắng chửi thô bạo mẹ con cháu từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác. Bố còn nói những lời cay nghiệt gán mẹ cháu bồ bịch và không cho mẹ cháu đi làm khiến mẹ cháu khóc rất nhiều. Cháu biết mẹ cháu không muốn ly hôn vì thương cháu sẽ thiếu thốn tình cảm nên mặc dù thường xuyên bị bố cháu đánh nhưng mẹ im lặng và chịu đựng. Cháu cháu muốn hỏi có cách nào để bố cháu dừng lại những hành vi trên không?  

Trả lời

Trên cơ sở quy định Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì  “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.

Căn cứ theo điểm b, điểm c khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì hành vi bạo lực gia đình trong trường hợp cháu vừa nêu được quy định như sau:

Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình

1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

Trên cơ sở quy định nêu trên thì việc bố cháu thường xuyên chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và đe dọa  mẹ  cháu là hành vi vi phạm pháp luật và được coi là hành vi bạo lực gia đình.

Theo đó, nhằm mục đích phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật, Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định như sau:

Điều 18. Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình

1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

Như vậy, nếu muốn ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình của bố cháu thì cháu hoàn toàn có thể báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhà cháu đang ở để đề nghị các cơ quan, tổ chức nêu trên đứng ra bảo vệ cho mẹ mình. Ngoài ra, cháu cũng có thể liên hệ nhờ các thành viên khác trong gia đình mình như các cô/dì/chú/bác để cùng  phối hợp với Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Trưởng thôn nơi cháu sống để  tổ chức hòa giải, khuyên can, giúp đỡ.

Hùng Dũng