HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Bổ sung thông tin người cha trong giấy khai sinh của con
Ngày đăng 11/06/2022 | 15:50  | Lượt xem: 605

Năm 2017 tôi có tình cảm với cô H và cô ấy đã chuyển về nhà tôi sinh sống như vợ chồng với tôi. Hơn 1 năm sau thì cô H sinh một cháu trai

Sau đó, cô H bỏ đi không có tin tức, còn tôi bị đi tù vì vậy bà nội đi đăng ký khai sinh cho cháu mà không có thông tin về người cha, chỉ có tên người mẹ trong Giấy khai sinh. Hiện nay, tôi đã chấp hành xong án phạt tù và về địa phương sinh sống. Xin hỏi, tôi muốn bổ sung thông tin của tôi trong Giấy Khai sinh của con có được không? Nếu được thì hồ sơ, thủ tục như thế nào?

Trả lời:

- Trước hết, vì anh và cô H chung sống với nhau không đăng ký kết hôn nên anh phải làm thủ tục cha nhận con theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Luật Hộ tịch và Điều 14, Khoản 1, Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch, cụ thể như sau:

Điều 24. Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Điều 14. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”

Điều 16. Đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt

1. Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.”.

Như vậy, về hồ sơ đăng ký cha nhận con gồm các giấy tờ sau:

Các giấy tờ phải nộp:

+ Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu (được quy định tại Phụ lục V kèm theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch). Tờ khai không cần có ý kiến của người mẹ.

+ Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. Trường hợp không có Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Giấy tờ xuất trình: bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân và Sổ hộ khẩu (để chứng minh nơi cư trú).

Sau khi có đủ các hồ sơ, giấy tờ nêu trên anh đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của anh hoặc của cháu bé thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

- Bước tiếp theo, sau khi làm xong thủ tục cha nhận con, anh làm thủ tục bổ sung thông tin về người cha trong Giấy khai sinh của con theo quy định tại Điều 29 Luật Hộ tịch, cụ thể như sau:

“1. Người yêu cầu bổ sung hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng trong Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp bổ sung hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung.”

Về hồ sơ bổ sung hộ tịch gồm các giấy tờ sau:

+ Tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch theo mẫu (được quy định tại Phụ lục V kèm theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch).

+ Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con.

+ Bản chính Giấy khai sinh của con anh.

Anh đến nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của anh để làm thủ tục bổ sung hộ tịch theo quy định trên.

Khánh Chi