HÒA GIẢI CƠ SỞ

Bên thềm năm mới...
Ngày đăng 18/02/2018 | 00:00  | Lượt xem: 140

Sau khi đã nghe hai bên giãi bày những tâm tư trong lòng, bà Hà dịu giọng, “chuyện nhà cô chú cũng là tình cảnh chung của nhiều cặp vợ chồng. Nhà bác trước đây cũng vậy, “một chốn bốn quê”, năm nào cũng tranh cãi.

Sáng sớm ngày mồng một Tết Mậu Tuất, bà Hà hòa giải viên đã được đón gia đình anh Cường đến chúc Tết. Nhìn dáng điệu hai vợ chồng vẫn có chút ngượng ngùng nhưng gương mặt đã lại đong đầy hạnh phúc, bà Hà càng mừng cho họ lại càng thêm yêu cái công việc mà người ta vẫn hay ví von là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của mình.

Còn nhớ trước đó giáp Tết ít ngày, bà Hà nhận được tin báo gia đình nhà anh Cường xảy ra xô xát, cãi vã. Khi bà sang đến nơi thì chị Hoài mặt mũi sưng húp, tóc tai bơ phờ đang gào khóc còn anh Cường chồng chị thì hùng hổ quát tháo, chửi bới.

Trước thái độ hung hăng của anh Cường, mọi người không dám đến gần, chỉ dám đứng từ xa khuyên nhủ dăm ba câu. Nghĩ bụng thường ngày, Cường là người hiền lành, điềm tĩnh, giờ chắc đang giận quá, mất khôn đe dọa thế chứ chắc không dám làm chuyện gì dại dột, bà Hà tự tin rảo bước vào trong.

 Bà nhanh nhẹn đỡ chị Hoài ngồi dậy, không quên mắng vốn chị vài câu: “Gớm, Tết nhất đến nơi rồi, hai vợ chồng có gì chưa thống nhất được thì từ từ nói cho nhau hiểu, làm gì mà chị cứ phải bù lu bù loa lên thế”. Nói đoạn bà quay sang chỗ anh Cường: “Cánh đàn bà con gái bọn tôi có chuyện gì cũng hay sồn sồn lên thế, chứ bụng dạ không có gì ác ý đâu chú Cường ạ. Thôi cô chú bình tĩnh rồi ngồi nói chuyện với nhau xem vợ chồng khúc mắc chỗ nào…”.

Thấy không khí đã bớt căng thẳng, lấy lý do năm hết Tết đến, bà Hà khéo léo giải tán đám đông mọi người tò mò đang dõi theo câu chuyện nhà hai vợ chồng anh Cường. Khi đám đông đã tản đi, bà Hà mới tâm tình hỏi han tình hình của hai vợ chồng. Thì ra do không thống nhất được việc về nhà nội hay nhà ngoại ăn Tết mà hai vợ chồng mâu thuẫn cãi vã.

Do không thống nhất được việc về nhà nội hay nhà ngoại ăn Tết mà hai vợ chồng anh Cường mâu thuẫn cãi vã. Ảnh minh họa

Nước mắt ngắn, nước mắt dài, chị Hoài chia sẻ, bố mẹ chị chỉ có hai cô con gái. Chị gái thì hiện đã lấy chồng và định cư ở nước ngoài. Còn phần mình do đặc thù công việc quanh năm bận rộn nên năm nào cũng phải đợi đến độ Tết đến, xuân về, chị mới có điều kiện về thăm nhà cho thỏa lòng mong ngóng của bố mẹ. Trong khi đó, bên phía anh Cường chồng chị lại là con trưởng trong nhà nên các dịp lễ Tết bố mẹ anh cũng rất đỗi mong con, mong cháu. Hai vợ chồng người quê Bắc, người đất Nam nên mấy ngày nghỉ Tết ngắn ngủi tranh thủ về cho được trọn vẹn cả hai bên nội ngoại là rất khó khăn. Nghĩ đã 3, 4 năm nay, đều đã đón Tết ở quê chồng nên năm nay chị Hoài nhất quyết đòi về đón Tết ở quê ngoại. Anh Cường thì khăng khăng, “thuyền theo lái, gái theo chồng” cho rằng chị Hoài phải về quê nội đón Tết. Lời qua tiếng lại rồi thành to chuyện. 

Sau khi đã nghe hai bên giãi bày những tâm tư trong lòng, bà Hà dịu giọng, “chuyện nhà cô chú cũng là tình cảnh chung của nhiều cặp vợ chồng. Nhà bác trước đây cũng vậy, “một chốn bốn quê”, năm nào cũng tranh cãi. Người nào cũng có những nỗi niềm riêng, người nào cũng mong muốn bạn đời chia sẻ và tôn trọng quyết định của mình mà quên đi từ phía mình đang thiếu đi sự cảm thông, chia sẻ với người kia.

Về sau, nghe lời khuyên của mọi người, vợ chồng bác mới chịu ngồi lại với nhau, chủ động chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những tâm tư, nguyện vọng của mình với bạn đời cũng như với hai bên ông bà nội ngoại. Nhờ đó mà mọi người dần hiểu và tìm được tiếng nói chung. Có năm bố mẹ bác còn vào miền Nam thăm sức khỏe ông bà thông gia vào dịp Tết và đón Tết cùng con cháu ở trong đó nữa cô chú à”…

“Tết là dịp đoàn viên, bác mong nhà mình sẽ sớm được đoàn viên hạnh phúc”

Sau những lời thân tình của bác hòa giải viên, vợ chồng anh Cường đã nhận ra những ứng xử chưa đúng của mình. Hai vợ chồng quyết định năm nay sẽ vào Nam đón Tết ở quê ngoại. Trước khi lên tàu vào Nam, hai vợ chồng không quên đến chúc Tết nhà bác Hà hòa giải viên.

Hải Yến