HÒA GIẢI CƠ SỞ

Bà Đông
Ngày đăng 28/07/2018 | 00:00  | Lượt xem: 137

Bà Đông có hai người con gái và hai người con trai. Cô con gái lớn của bà Đông lấy chồng cùng làng, còn cô thứ hai lấy chồng ở địa phương khác, con thứ ba cũng lấy vợ đã lâu, các cháu của bà Đông đều lớn cả. Chỉ riêng cậu út của bà Đông thì mới lấy vợ, các con còn nhỏ nên bà Đông vẫn ở cùng con trai út.  

Bà Đông có hai người con gái và hai người con trai. Cô con gái lớn của bà Đông lấy chồng cùng làng, còn cô thứ hai lấy chồng ở địa phương khác, con thứ ba cũng lấy vợ đã lâu, các cháu của bà Đông đều lớn cả. Chỉ riêng cậu út của bà Đông thì mới lấy vợ, các con còn nhỏ nên bà Đông vẫn ở cùng con trai út.

Gần đây chị Mến (vợ con trai út của bà Đông) thi thoảng lại thấy mất khi thì cái áo, khi thì cái quần, khi lại một vài cái nồi nhôm. Chị Mến đem chuyện mất mát của mình kể với mấy chị em hàng xóm và được họ cho biết, có lần họ thấy bà Đông mang một cái nồi nhôm đi bán cho cửa hàng chị Nga ở đầu làng.

Được hàng xóm cho biết, chị Mến đã ra tận đầu làng để hỏi chị Nga cho rõ, thì ra đúng là có việc bà Đông mang đã hai lần mang nồi nhôm ra bán cho chị Nga. Về nhà, chị Mến dẽ dàng hỏi mẹ chồng thì bà Đông thừa nhận việc mình lấy nồi nhôm và quần áo của chị. Bà Đông lý giải, mỗi lần bà đi thăm cô con gái lấy chồng ở xa, bà lấy quần, áo của chị Mến để làm quà cho cô con gái này. Còn nồi nhôm thì bà bán bán để chi phí tiền tàu xe và chi tiêu vặt. Biết rõ chuyện rồi, chị Mến cũng chỉ nhắc mẹ chồng vài câu, rằng “Lần sau mẹ đừng làm thế, lấy của con này cho con khác là không được. Trường hợp cần gì thì cứ nói để các con đóng góp cho mẹ, sẽ hơn”.

Phía anh Kỉnh (chồng chị Mến) là người không hiểu chuyện, anh lớn tiếng với mẹ “Từ ngày mai bà sang nhà anh Kế mà ở, nhà này không chứa người ăn cắp đâu”, rồi “Nhà con đầu tắt mặt tối, thiếu trước, hụt sau, đã nuôi bà rồi mà bà lại lấy của con này cho con khác là sao?”

Nghe con trai mắng mỏ, bà Đông chỉ ngồi khóc, bà kêu trời trách đất, là sao bà lại nghèo khó, các con bà cũng nghèo khó, rồi chửi cậu con út là “thằng mất dạy”, dám đuổi bà.

Thấy bên nhà bà Đông ầm ĩ, ông Toàn là hàng xóm, cũng là hòa giải viên khu dân cư vội chạy sang “Có chuyện gì mà bà ngồi khóc vậy?”, ông Toàn nhẹ nhàng hỏi.

“Thằng mất dạy (chỉ anh Kỉnh) nó đuổi tôi đi, sao số tôi nó khổ thế, sinh ra cái thằng bất hiếu này”, bà Đông miệng nói, tay chỉ vào anh Kỉnh.

Sau khi nghe hai vợ chồng anh Kỉnh giãi bày, ông Toàn đã hiểu ra căn nguyên của việc cãi vã giữa mẹ con bà Đông. Quay sang anh Kỉnh, ông Toàn ôn tồn “Cháu ạ, dù mẹ mình có thế nào đi nữa thì phận làm con cũng không được hỗn với mẹ. Có gì không phải thì cháu nhẹ nhàng khuyên nhủ, chứ sao lại nói những lời không phải như thế. Chị gái cháu lấy chồng ở xa, là mẹ ai chả nhớ con nên đến thăm con, nhưng vì không có tiền nên mẹ cháu mới làm vậy. Vẫn biết làm như thế là không phải nhưng bác nghĩ, cháu cũng nên thông cảm với mẹ”.

Thấy anh Kỉnh không nói gì, ông Toàn nói tiếp “Bác biết, vợ chồng cháu vất vả, kinh tế còn khó khăn, kể cả anh trai cháu cũng vậy, thế nên cả hai anh em cùng lo cho mẹ thì mỗi người sẽ nhẹ gánh hơn. Thế này đi, cháu làm con lợn nhựa, mỗi tháng ngoài việc góp gạo để nuôi mẹ thì mỗi anh em bỏ vào con lợn nhựa năm mươi ngàn đồng, như thế sẽ đủ cho mẹ đi thăm chị cháu mỗi năm, cháu thấy thế nào?”

Với bà Đông, ông Toàn khuyên nhủ “Bà không nên nghĩ ngợi làm gì, bực lên thì nó (chỉ anh Kỉnh) nói bừa vậy, chứ con nào dám đuổi mẹ. Mà từ nay cần gì thì bà nên nói với các con để chúng thu xếp giúp, chứ đừng lấy của đứa này cho đứa kia, phải tội đấy, bà ạ”.

Nghe ông Toàn khuyên nhủ, hai mẹ con bà Đông đã dịu, không còn ầm ĩ nữa. Những ngày sau đó, mọi người không còn thấy bà Đông mang thứ này thứ kia đi bán, vợ chồng chị Mến cũng như  anh trai, chị dâu đã quan tâm đến mẹ hơn.

Thu Lan