HÒA GIẢI CƠ SỞ

Câu chuyện hòa giải tại khu chung cư cũ
Ngày đăng 25/03/2020 | 10:49  | Lượt xem: 441

Nơi chúng tôi đang ở là khu tập thể  cũ thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Đó là những dãy nhà lắp ghép cao tầng được xây dựng từ những năm 60, 70 nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

 Dân cư từ nhiều nơi về đây cùng chung sống với nhiều hoàn cảnh khác nhau, trình độ dân trí không đồng đều nên khó tránh khỏi những va chạm phức tạp trong cuộc sống hàng ngày. Tổ dân phố của chúng tôi với hơn 200 hộ dân và ngót 800 nhân khẩu. Nhiều năm qua, bà con trong tổ sống đoàn kết “tối lửa tắt đèn có nhau”, song đôi lúc cũng xảy ra những xung đột đời thường giữa những hộ cùng chung cầu thang, hành lang, chung bể phốt, cống thoát nước thải, và đặc biệt là sự liên quan giữa các hộ tầng trên tầng dưới. Và những lúc ấy, tổ hòa giải chúng tôi luôn kịp thời có mặt để làm nhiệm vụ.

Chúng tôi nhớ mãi lần hòa giải năm ngoái, giữa 2 hộ gia đình tầng 1 và tầng 2 (mái của nhà tầng 1 tiếp giáp với sàn nhà của tầng 2). Nguyên nhân là do hộ tầng dưới sửa mái nhà (phần cơi nới) đã cho nâng cao mái thêm 20cm nữa nên phần mái mới cao sát chân cửa sổ của tầng 2. Thế là xung đột xảy ra, không bên nào chịu bên nào, thậm chí đã xảy ra bạo lực giữa hai ông chồng và họ dọa đưa đơn kiện ra UBND phường.

Với phương châm giữ gìn tình làng nghĩa xóm, xử lý vụ việc sao cho vừa có lý vừa có tình “100 cái lý không bằng 1 tý cái tình”, tổ hòa giải chúng tôi đã vào cuộc, tìm hiểu ngọn ngành, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn. Chúng tôi đã bố trí gặp gỡ, trao đổi riêng với từng bên, thậm chí tìm gặp cả những người gia đình hàng xóm liền kề để hiểu rõ hơn vụ việc một cách khách quan nhất. Cuối cùng, chúng tôi đã sắp xếp được một buổi hòa giải gồm các thành viên tổ hòa giải và có đủ đại diện hai gia đình đang mâu thuẫn. Bằng việc phân tích cái lý, cài tình cùng với việc lắng nghe nguyện vọng của hai bên, chúng tôi đã phân tích cặn kẽ  quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư. Cụ thể là không gian giữa các tầng trên và tầng dưới theo điều 175 Bộ Luật dân sự năm 2015  thì tầng dưới chỉ được phép nâng mái trong phạm vi của tầng 1 mà không được vi phạm quá ranh giới đối với tầng trên. Hai bên nên hỏa thuận với nhau, lấy tình xóm giềng làm trọng với đạo lý văn hóa truyền thống Việt Nam “vắng anh em xa, có láng giềng gần” mà giải quyết sao cho hài hòa, không làm sức mẻ tình nghĩa xóm giềng.

Sau khi nghe tổ hòa giải chúng tôi phân tích, hai hộ gia đình đã bớt căng thẳng, bình tĩnh, vui vẻ trở lại. Hộ tầng dưới đã đồng ý hạ bớt mái xuống còn 10cm và hộ tầng trên cũng đồng ý với mức hạ mái mà tầng dưới đề xuất. Sau ít ngày, chung tôi theo dõi thấy hai hộ gia đình đã làm đúng theo thỏa thuận trong cam kết và tình cảm xóm giềng đã ấm áp trở lại. Họ ríu rít cảm ơn tổ hòa giải và thường xuyên hẹn nhau đi sinh hoạt văn hóa văn nghệ của khu dân cư.

Tổ hòa giải phường Thịnh Quang, Đống Đa