HÒA GIẢI CƠ SỞ

Ông Nguyễn Văn Kim, hòa giải viên tiêu biểu thôn Thượng Cốc, xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ
Ngày đăng 15/03/2023 | 09:06  | Lượt xem: 47

Ông Nguyễn Văn Kim, Tổ trưởng tổ hòa giải, Bí thư Chi bộ thôn Thượng Cốc, xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ đã luôn nỗ lực, từ những việc nhỏ đến việc to ở thôn ông đều tham gia cùng chính quyền xây dựng chi bộ thôn trong sạch - vững mạnh, đời sống kinh tế, chính trị của người dân trong thôn được ổn định.

Nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Kim, Tổ trưởng tổ hòa giải, Bí thư Chi bộ thôn Thượng Cốc, xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội đã luôn nỗ lực, từ những việc nhỏ đến việc to ở thôn ông đều tham gia cùng chính quyền xây dựng chi bộ thôn trong sạch - vững mạnh, đời sống kinh tế, chính trị của người dân trong thôn được ổn định.

Ông chia sẽ, đã làm Bí thư chi bộ thôn nhiều năm, những năm đầu nhận nhiệm vụ tuy có những khó khăn, gian khổ vì một phần kinh tế người dân những năm trước còn đói kém, dân trí thấp việc tuyên truyền, vận động người dân gặp không ít khó khăn. Trong thôn hay xảy ra các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh nhỏ lẻ. Để có được thành quả như bây giờ, lãnh đạo thôn đã cùng với chính quyền làm tốt công tác an dân, vận động, tuyên truyền để người dân trong thôn nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quyền lợi của người dân được đảm bảo, kiến nghị của người dân được giải quyết thỏa đáng, người dân tin tưởng vào lãnh đạo thôn và tin tưởng chính quyền.

Dù có sự việc lớn hay nhỏ, xích mích, mâu thuẫn nhỏ hay to đều được giải quyết một cách thuận lợi và êm đẹp vì được người dân đồng thuận.  Với vai trò là Bí thư chi bộ lại là Tổ trưởng tổ hòa giải ở thôn ông chia sẻ và nhận định hòa giải là một trong những bước quan trọng, với bước hòa giải này các Bên sẽ có cơ hội đối thoại và tìm ra phương án có lợi ích cho cả hai bên dựa trên quy định của pháp luật. Cũng từ bước này các bên sẽ tìm được tiếng nói chung và đi đến gắn kết, bắt tay giảng hòa đem lại cuộc sống bình yên cho mỗi gia đình, thôn xóm và cộng đồng dân cư. Người làm công tác hòa giải không những phải am hiểu về pháp luật về các lĩnh vực còn phải là người biết lắng nghe, thấu tình đạt lý luôn đặt mình vào từng vị trí để thấu hiểu và tìm ra cách giải quyết hợp lý đảm bảo cho các bên có sự nhìn nhận tâm phục, khẩu phục. Luôn biết vận dụng sự đồng thuận của dòng họ, sự giúp đỡ của những người có uy tín để có tiếng nói trọng lượng trong các vụ việc phát sinh. Người làm công tác hòa giải không phải là quan tòa xét xử đúng sai, nhận định ai thắng ai thua mà phải là người thực tế sống và sinh hoạt trong cộng đồng dân cư mới có thể thấu hiểu hoàn cảnh của các bên và đặc biệt người làm công tác hòa giải phải luôn lấy gia đình mình làm gương mẫu để mọi người noi theo. Một gia đình mà các thành viên trong gia đình không yêu thương nhau, luôn sẩy ra xô sát cãi vã, mất đoàn kết và vi phạm pháp luật thì một trong các thành viên đó sẽ không thể là thành viên tổ hòa giải được. Điều đặc biệt hơn nữa là người làm công tác hòa giải không được đặt lợi ích vật chất lên trên mà làm việc bằng cái tâm và trách nhiệm với cộng đồng dân cư và xã hội.

Quá trình công tác và trực tiếp tham gia hòa giải, vụ việc làm ông nhớ mãi đó là vụ gia đình chị H anh K mẫu thuẫn đúng vào ngày 28 tết. Câu chuyện như sau:

Cách đây khoảng 3 năm vào một ngày trưa 28 Tết bỗng trong xóm có người báo gia đình chị H anh Kiên đang xẩy ra mâu thuẫn, xô sát, anh Kiên đang cầm gậy đuổi đánh chị Hằng quanh nhà, các con còn nhỏ ngồi khóc chu chít.

Nhận được tin báo tôi và một đồng chí thành viên trong tổ hòa giải là thôn trưởng đến nhà anh Kiên. Thấy chị H đang ngồi khóc và có lời qua tiếng lại với anh K, anh K tay vẫn cầm gậy vẻ mặt hằm hằm, chân đi liêu siêu. Chị H cho biết nay đã là 28 tết, anh K suốt ngày rượu chè, tiền không kiếm được một đồng nào mang về cho vợ con lo tết, các con còn nhỏ quần áo tết cũng không được mẹ sắm vì gia đình hoàn cảnh khó khăn lại đông con, năm nay nhà chăn nuôi được mấy con lợn, con gà dịch bệnh tả châu phi ập đến lợn chết hết cả. Nhà mọi người quây quần tết sum vầy, sắm sửa đủ thứ còn nhà chị H ngày 28 tết trong nhà vẫn không có gì ngoài mấy tàu lá dong còn đang rửa dở dang chưa xong. Cứ uống say về là anh Kiên lại đánh chửi vợ con. Một cái tết không chọn vẹn đang hiện ra trong mắt chúng tôi, chúng tôi thương cho những đứa trẻ, đồng cảm với người vợ cảnh lam lũ.

Tôi và đồng chí Thôn trưởng lắng nghe chia sẻ của các bên và thống nhất đồng chí thôn trưởng sẽ gặp gỡ và nói chuyện chia sẻ với chị H, tôi trực tiếp gặp và chuyện trò của anh K. Tôi xác định trong lúc say thì anh K sẽ chẳng nhớ gì nên đã động viên anh đi ngủ, vài tiếng sau khi tỉnh tôi tiến hành chuyện trò với anh K.

Khoảng 3h chiều tôi sang nhà anh K thấy anh đang ngồi hút thuốc, tôi hỏi. Lúc trưa anh làm gì anh còn nhớ không?  Vẻ mặt của anh tỉnh bơ và buông lời uống có mấy chén về mà con vợ cứ lèm nhèm, tôi bực, tôi đánh.

Lúc này trong đầu sợt suy nghĩ xưa các cụ có câu “ một túp lều tranh hai trái tim vàng” no, đói rau cháo vợ chồng có nhau nay ý nghĩa đó còn đâu. Tôi nói anh Kiên này hôm nay đã 28 tết rồi chỉ còn 2 ngày nữa thôi là bước sang năm mới, anh không thương vợ, con à? Anh nói thương chứ. Tôi nói tiếp bọn trẻ tết đã có quần áo mới chưa? Anh đã gói bánh trưng chưa? Nhà đã sắm tết được những gì rồi? Vẻ mặt anh bắt đầu lắng xuống. Anh nói cũng tại dịch tả châu phi tràn về nhà nuôi được vài con lợn chết hết, làm ăn quanh năm đồng ruộng chẳng khấm khá hơn, chăn nuôi thất bát, nhà vẫn nghèo tôi chán quá mượn rượu giải sầu. Tôi đã phân tích cho anh biết tác hại của việc uống rượu, bia và hành vi bạo lực gia đình, gây rối mất trật tự công cộng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Phân tích cho anh hiểu cuộc sống giàu sang hay nghèo khổ là do mình tạo nên. Nếu anh tu trí làm ăn, chăm lo cho cuộc sống gia đình, bỏ rượu chè thì không những cuộc sống trong ấm ngoài êm, các con no đủ, hàng xóm láng giềng nể phục và giúp đỡ chia sẻ. Cuộc sống có khó khăn gì cứ chia sẻ chúng tôi sẽ tạo điều kiện giúp đỡ và cùng tìm hướng khắc phục giải quyết cùng gia đình. Anh Kiên không nên tìm đến cuộc sống tiêu cực để làm cho cuộc sống gia đình đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Ngồi chia sẻ một lúc anh Kiên chợt nhớ và bừng tỉnh, đấy tôi còn còn mâm lá dong phải gói bánh, tết này phải gói bánh trưng cho bọn trẻ ăn, chúng nó thích ngồi quây quần nấu bánh trưng rồi nướng ngô, khoai ăn trong khi chờ bánh chín. Con vợ tôi nó cũng vất vả cả năm rồi tôi cũng muốn những ngày tết để nó nghỉ ngơi giữ sức khỏe cho một năm mới chúng tôi bắt tay làm lại từ đầu.

Về phía tôi với tư cách là bí thư chi bộ, tôi đã về bàn với lãnh đạo thôn , chính quyền địa phương về hoàn cảnh khó khăn của anh K cùng chia sẻ tết này thêm ấm no để gia đình anh Kiên chị Hằng thêm động lực, cuộc sống gia đình hạnh phúc. Chúng tôi vận động bà con trong xóm và trích quỹ của thôn mua mấy bộ quần áo mới cho con anh Kiên chị Hằng, bà con trong xóm người thì con gà, người thì cân thịt, bỗng một cháu chạy tới “ cho cháu góp chung cành đào và vài cân kẹo ạ” vậy là một cái tết ý nghĩa và sum vầy đến với gia đình anh Kiên. Anh K mừng rơi nước mắt, hai vợ chồng cảm ơn lãnh đạo thôn, bà con lối xóm, chính quyền đã chăm lo và không bỏ rơi họ lúc khó khăn, hoạn nạn. Anh K hứa sẽ bỏ rượu, tập chung lo cho gia đình và làm lại từ đầu để gây dựng kinh tế.

Tối 28 tết đi qua nhà anh thấy tiếng cười nói của con trẻ, vợ cắt lá, chồng gói bánh thì thầm cười nói mà trong lòng tôi vui quá, vui vì gia đình anh được hòa thuận, mừng vì người dân trong thôn ai ai cũng có cái tết đầy đủ, không ai bị bỏ lại phía sau.

Đến nay, sau 3 năm nhà anh K đã có thay đổi lớn về kinh tế. Hai vợ chồng đã có một trang trại trồng cây ăn quả, thuê thêm đất trồng lúa, chăn nuôi mở rộng nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ của hội nông dân, phụ nữ. Thu nhập ổn định. Các con học hành giỏi giang, chăm ngoan. Đặc biệt là anh K từ bỏ rượu từ ngày đó theo đúng lời anh hứa. Chị H chia sẻ từ ngày được bác K động viên chia sẻ anh Kiên biết yêu thương vợ con, chăm làm không chơi bời như trước nữa, chị từ đó cũng yêu thương chồng con hơn, hết lòng vì gia đình. Cả hai anh, chị đều tham gia tích cực các hội và câu lạc bộ để cùng nhau chia sẻ làm giàu về kinh tế. Cùng góp phần đưa kinh tế của thôn, xã phát triển đi lên.

Ông Nguyễn Văn Kim, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Thượng Cốc, xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ