HÒA GIẢI CƠ SỞ
Tối qua gió to, cây mít nhà bà Xuân ngã đổ, đè sập gian nhà kho nhỏ đựng đồ mới xây được năm của nhà bà Minh kế bên.
Bà Minh chu tréo: “Ối làng nước ơi, bà Xuân ơi là bà Xuân ơi, tôi bảo bao lần là bà chặt cây mít ấy đi, nó nghiêng từ mấy tháng nay rồi bà không nghe tôi, giờ sập kho nhà tôi rồi. Mấy chục triệu của tôi, đồ đạc trong đó của tôi vỡ nát hết rồi – bà sang mà đền cho nhà tôi đi!”.
Bà Xuân vừa đi chợ về, nghe bà Minh kêu gào, lại nghe hàng xóm xì xào tò nhỏ liền bực mình lớn tiếng: “Bà vừa phải thôi nhé, cây trên đất nhà tôi trồng từ lâu rồi, gió to nó đổ, là tại giời tại đất, tại gì tôi mà bà bắt đền bắt vạ tôi. Bà ra chùa mà đền, nhé!!”
Bà Minh đang bực, xót của thấy bà Xuân nói vậy càng bực hơn: - “Đó, có mọi người chứng kiến, thời tiết bình thường chỉ gió to mà cây cũng làm ngã sập nhà tôi còn không chịu nhận. Tôi sẽ đi kiện cho ra nhẽ thì thôi”.
Nghe ồn ào, chị Mẫn, tổ hoà giải của xã liền qua. Bà Minh bảo: Đấy, cô nhìn xem, cây nhà bà ấy bị trốc gốc từ trước, nghiêng sang nhà tôi rất nguy hiểm. Tôi đã nhiều lần sang nói chuyện bảo bà ấy chặt đi kẻo ngã sập nhà tôi thế mà bà ấy nhất quyết không chịu. Giờ sập kho nhà tôi rồi, may mà lúc cây ngã cả nhà tôi đi không có ai vào đó. Chả may vào đúng lúc đổ thì mất mạng như chơi. Đã thế bà ấy còn chày cối không nhận sai cô ạ! Tôi muốn kiện bà Xuân, bắt bà ấy phải đền tiền và nhận lỗi chứ không thể thế này được!”.
Chị Mẫn liền sang nhà bà Xuân, mời bà Xuân sang nhà bà Minh để cùng nói chuyện. Bà Xuân phân trần: “Đúng là cây mít nhà tôi trồng sát nhà bà Minh ngã đổ kho nhà bà Minh. Tuy nhiên, cây ngã đổ là do tự nhiên, gia đình tôi không có tác động, không chặt phá cây. Hơn nữa, cây ngã đổ lên nhà một phần cái kho mới xây chứ không ngã lên nhà ở. Cái kho nhỏ này bà Minh tự ý xây dựng sau thời điểm tôi trồng cây nên tôi không có trách nhiệm bồi thường. Bà ấy bảo tôi chặt cây mấy lần rồi nhưng tôi chỉ có hai ông bà già, nhà không có ai nhờ chặt được cả…”.
Chị Mẫn ôn tồn: “Bác Xuân cứ bình tĩnh nghe cháu giải thích nhé. Khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định ranh giới giữa các bất động sản như sau: Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Khoản 1 Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản. Nếu chủ sở hữu tài sản không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu. Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải có trách nhiệm bồi thường.
Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định một cách cụ thể và nêu rõ: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thêm: Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
“Đấy bác thấy chưa – không phải là bác không có lỗi hay vi phạm gì đâu ! – phần thân cây mít nhà bác cháu biết, đã nghiêng hẳn sang phần đất nhà bà Minh đó ạ! Nên nếu bà Minh đi kiện thì bác sẽ là người thua ạ”
Bà Xuân bần thần: “Thì ra pháp luật quy định như vậy hả cô. Tôi nào có biết, tôi cứ tưởng đất nhà tôi thì tôi trồng cây, cây ngã đổ là do tự nhiên, gia đình tôi không có tác động thì tôi không phải đền. Cảm ơn cô nhé, để tôi xin lỗi bà Minh, rồi tôi nhờ người dọn cây ngã, tỉa gọn các tán cây, thiệt hại công trình nhà kho một phần bị sập, nếu sửa sang lại cũng không nhiều lắm thì cho tôi chịu một phần lớn sửa chữa bà Minh nhé. Bà đừng đi kiện, giờ sự việc như thế này cũng là không mong muốn, đưa ra pháp luật hàng xóm người ta dị nghị thì không hay, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, bà nhé!”
Bà Minh gật đầu: Chỉ cần bà nhận sai thì tôi không kiện. Tôi với bà cùng chia nhau số tiền sửa lại cái kho nhà tôi là được rồi!”
Lê Nguyễn
thông báo
- Kế hoạch Tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến" trên địa bàn Thành phố
- Kế hoạch tổ chức cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" trên địa bàn thành phố Hà Nội