HÒA GIẢI CƠ SỞ

Cha ở với ai…
Ngày đăng 24/05/2023 | 13:32  | Lượt xem: 33

Vợ chồng ông bà Hoà có 3 người con, người con cả định cư ở nước ngoài nhiều năm, gia đình con trai thứ 2 tên Hải ở thị xã Sơn Tây gần ông bà, và con gái út ở Hà Nội.

Vợ chồng bà làm kinh doanh, buôn bán nên cũng có của ăn của để. Về già, hai ông bà vẫn ở nhà vui thú điền viên, đến khi bà mất, ông vẫn muốn ở quê một mình. Khi  ông Hoà bị tai biến, các con ông họp gia đình và quyết định đưa ông bà lên nhà con trai ở thị xã sống, thuê giúp việc để tiện bề chăm sóc. Toàn bộ tiền lương hưu, tiền lãi gửi tiết kiệm của ông bà sẽ giao cho vợ chồng anh để chi tiêu, chăm sóc bố mẹ.

Bị tai biến, ăn uống, sinh hoạt khó khăn do bị liệt một nửa người, ông trở nên khó tính, suốt ngày chê trách người giúp việc vụng về không biết chăm sóc người bệnh. Con dâu thì không những không chăm sóc, cũng chả mấy khi hỏi han quan tâm. Con trai thì cũng chỉ hỏi han ông chiếu lệ, mặc kệ ông với người giúp việc.

Sau dịch, công việc khó khăn, anh con trai nghỉ việc, ở nhà liền cho người giúp việc nghỉ để vợ chồng anh có thêm khoản chi tiêu. Tuy nhiên, anh lại không chăm sóc ông chu đáo mà thường xuyên bỏ bê ông cả việc ăn uống lẫn vệ sinh. Không những thế, anh còn sa đà rượu chè, tiền gia đình anh tiêu chủ yếu dựa vào tiền lương và lãi tiết kiệm của ông bà nhưng cũng không đủ nên anh con trai thường xuyên đối xử bất kính, hỗn lão với ông.

Lúc đầu ông cũng giấu, không kể chuyện với con gái  út nhưng cũng không thể giấu được mãi, bệnh ngày càng trở nặng. Xót bố, chị Lan con gái ông bàn bạc với chồng đón ông về nhà mình để chăm sóc, phụng dưỡng nhưng anh  không đồng ý. Phần vì mất nguồn thu nhập và chi tiêu của cả gia đình, phần vì anh cho rằng em gái mình làm vậy để sau này khi ông mất đi, chị sẽ được toàn quyền sử dụng tiền tiết kiệm của ông bà đang gửi.

Viện cớ là bố mẹ chỉ ở với con trai, người nối dõi tông đường, anh còn ở đây thì ông không nên ở với con gái vì có con trai lo rồi. Anh Hải cương quyết không cho chị đón ông về ở cùng còn to tiếng mắng chửi em  dẫn đến mâu thuẫn giữa hai anh, em ngày càng trở nên gay gắt. Chị Lan không biết làm thế nào đã tâm sự với bác Hiền là tổ trưởng tổ hòa giải ở khu phố và nhờ bác giúp đỡ.

Tìm hiểu nội tình, bác Hiền thấy những điều chị Lan đã kể hoàn toàn phù hợp với thực tế. Sau khi thu thập thông tin, tìm hiểu cặn kẽ các quy định của pháp luật hiện hành, ân cần, nhẹ nhàng, bác phân tích để anh Hải nhận thấy: Tình yêu của cha, mẹ dành cho cho con cái là vô hạn, từ khi sinh con đến khi nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Bổn phận làm con phải luôn kính trọng, hiếu thảo và có nghĩa vụ phụng dưỡng cha, mẹ, nhất là khi già yếu. “Cuộc sống hiện đại, trách nhiệm con cái đối với bố mẹ là bình đẳng bất kể con trai hay con gáiVậy không có lý do gì, bố mẹ lại chỉ trông chờ và kỳ vọng vào mỗi con trai khi về già” – bác Hiền nói.

“Người già không chỉ chú trọng đến sự chăm sóc chu đáo mà cả lời thăm hỏi của con cái, bởi lẽ họ ít có cơ hội mở rộng quan hệ và giao lưu khi lớn tuổi, sâu bên trong còn có nhu cầu được giao tiếp, nói chuyện thân tình với con, cháu. Già yếu là về với con, nương tựa vào con.Việc anh không chăm sóc quan tâm ông chu đáo, thậm chí có hành vi ngược đãi, xúc phạm với ông không chỉ vi phạm các quy định pháp luật mà còn trái với đạo đức xã hội và sẽ bị mọi người lên án. Việc chị Lan muốn đón mẹ về chăm sóc xuất phát từ tình cảm yêu thương nên anh không có quyền ngăn cản, cấm đoán….”

Nghe những lời bác ở tổ hoà giải phân tích, anh Hải đã nhận ra những cư xử của mình với ông là không đúng, hiểu rõ hơn về quyền và trách nhiệm theo pháp luật cũng như đạo đức của con cái đối với cha mẹ. Anh đã xin lỗi bố và mong ông tha thứ để anh có cơ hội sửa chữa lỗi lầm và tận tâm chăm sóc, phụng dưỡng ông; trường hợp ông muốn đến ở cùng chị Lan thì anh cũng đồng ý để chị đưa ông về chăm sóc.

Thấy con đã nhận ra lỗi lầm, ông Hoà đồng ý tha thứ cho anh.

Người Việt Nam ta, từ bao đời, giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam là truyền thống yêu thương giữa cha mẹ và con cháu, lòng hiếu thảo của con cháu đối với bậc sinh thành. Dù xã hội thay đổi thế nào thì người già vẫn là trụ cột cho tất cả con cháu trong nhà. Người ta nói còn ba mẹ là còn tất cà, nhưng vắng ba mẹ dù ở độ tuổi nào thì cũng thấy chông chênh. Dù ông bà sống chung hay riêng thì nó vẫn là ý niệm quan trọng. Đó là truyền thống chữ hiếu của người Việt Nam.

Lê Nguyễn