HÒA GIẢI CƠ SỞ

Bí thư Chi bộ làm tốt công tác hòa giải
Ngày đăng 15/06/2021 | 22:13  | Lượt xem: 409

Nhiều năm qua, ông Nguyễn Duy Trình, Bí thư Chi bộ thôn 6 xã Thuần Mỹ (Ba Vì) luôn làm tốt công tác hòa giải, được cán bộ và nhân dân nơi đây đánh giá cao, năm nay ở tuổi 66, nhưng ông vẫn đam mê với công việc thôn và hòa giải thôn

Ông Trình cho biết “ Thôn 6 hiện có 394 hộ, với 1.600 nhân khẩu, đời sống nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi  là chính, trong cuộc sống ở thôn quê có rất nhiều điều phải nói, không ít lần đã xảy ra va chạm giữa người này, người nọ và các gia đình với nhau, vì vậy mà việc gì cán bộ thôn cũng phải cố gắng giải quyết làm sao thấu tình đạt lý, được nhân dân tin tưởng, yêu quý”.

Để hòa giải thành công đảm bảo thấu tình, đạt lý, theo ông Trình người làm công tác hòa giải phải có những kỹ năng như : Phải có uy tín trong cộng đồng dân cư, phải am hiểu pháp luật, nhất là liên quan đến Luật đất đai, hôn nhân gia đình, luật thừa kế, gần gũi với nhân dân, gia đình mình phải nỗ lực xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Quá trình hòa giải, người hòa giải viên phải biết lắng nghe, hiểu rõ nội dung sự việc, nhiều việc phải hòa giải từng phần, phần nào cần làm trước thì làm trước, phần nào cần làm sau thì làm sau. Bên cạnh đó, phải tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong dòng họ để họ có thêm tiếng nói trong những vụ mâu thuẫn lớn của gia đình. Song song với đó, người làm hòa giải nên tính đến lợi ích chính của việc hòa giải để làm sao mỗi bên đều hiểu và có hiệu quả cao nhất. Từ suy nghĩ đến hành động, nhiều năm qua, ông Trình  đã hòa giải nhiều vụ việc phức tạp trong thôn 6.

 Đó là việc giữa gia đình ông A và bà B, đó là việc gia đình ông A làm nhà, nhưng dọt ranh lại để chảy nước sang nhà ông B. Ông B sau có kiến nghị nhờ ông Trình giải quyết. Sau khi thấy thế, ông Trình đã khảo sát thực tế và đề nghị, giải thích cho ông A, ông A sau lắng nghe đã đồng thuận và thực hiện.

Vụ việc nữa, là gia đình ông A làm nhà, trong quá trình làm nhà, ông A đã đào móng làm nứt tường nhà ông B hàng xóm. Sau đó hai người lời qua tiếng lại, có xô xát với nhau. Sau khi nắm tình hình, ông Trình đã tìm hiểu thực tế trước khi ông A xây nhà và sau khi ông xây nhà và thực tế là việc xây dựng nhà ông A có ảnh hưởng đến tài sản là bờ tường nhà ông B. Với cách hòa giải mềm dẻo, đúng trọng tâm, trọng điểm, ông A đã đền bù tiền cho ông B đã chít chát, hoàn thiện bờ tường, tránh làm nứt tường của gia đình ông B.

Vụ việc nữa là tranh chấp trong gia đình anh A. Anh A đi làm ăn xa, nhiều năm không quan tâm được đến mẹ, đến khi kinh tế khá giả muốn đón mẹ về phụng dưởng ở nhà cô con gái. Nhưng người em trai cũng không đồng ý việc này. Sau khi nắm bắt tình hình, ông Trình đã gặp gỡ bà mẹ, các con, tìm hiểu nguyên nhân và giải thích cho từng người về ý của bà mẹ. Ông cũng sẻ chia để các anh em trong gia đình cùng đồng thuận, đừng để đến cuối đời mẹ buồn vì các con mất đoàn kết. Sau khi được ông Trình giải thích, gia đình đã đồng ý để anh A nuôi mẹ.

Còn rất nhiều vụ việc nữa mà ông Trình đã hòa giải thành công trong quá trình làm Bí thư Chi bộ, ông luôn thấu từng việc, luôn xuất hiện ở mỗi điểm nóng cần tiếng nói, uy tín của mình, được cán bộ, nhân dân thôn 6 đánh giá cao.

Có thể nói, với những gì đã làm được, ông Trình đã góp phần xây dựng thôn 6 ngày bình yên, đang ngày phát triển về mọi mặt.

Hồng Đạt