HÒA GIẢI CƠ SỞ

Bà Tâm và cháu đích tôn
Ngày đăng 07/07/2020 | 19:58  | Lượt xem: 713

- Bà An ơi, ra đón cháu về này. - Vâng, mời bà vào nhà xơi nước đã. - Thôi, tôi về nhà còn cơm nước, kẻo muộn ông ấy lại cằn nhằn.

Nói rồi bà Tâm vội về nhà. Nhìn bà Tâm vội vã, bà An lại nhớ về chuyện cũ. Chuyện xảy ra đã hơn một năm, hồi ấy cháu ngoại bà mới học mẫu giáo, giờ đã là học sinh lớp một rồi.

Chả là ngày ấy chị Hoa (con gái bà An) và anh Tú (con trai bà Tâm) ly hôn. Tòa án đã ra Quyết định thuận tình ly hôn, theo đó công nhận việc thỏa thuận của vợ chồng họ là con ở với mẹ. Đã ba tuần trôi qua sau ngày quyết định của tòa án có hiệu lực mà bà Tâm vẫn kiên quyết giữ cháu nội ở nhà mình mà không cho chị Hoa gặp cũng như đón con về. Quá bức xúc, chị Hoa định gửi đơn đến cơ quan thi hành án nhờ giúp đỡ, nhưng thật may, hôm ấy chị Hoa được một người bạn mách và đến gặp bà Hạ, hòa giải viên khu dân cư nhờ gỡ rối.

Nói thêm về hoàn cảnh của chị Hoa, sau khi có thai được 6 tháng, anh Tú đã chạy theo một cô gái ở xã bên và bỏ bê vợ con. Phần vì bị chồng phản bội, phần vì mẹ chồng hà khắc, chị Hoa đã về nhà bố mẹ đẻ rồi sinh con ở đó. Khi biết tin chị Hoa sinh con trai, anh Tú đã đến nỉ non để đón mẹ con chị về nhà. Rồi cũng lại chỉ được khoảng nửa năm thì cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, chị lại phải trở về với bố mẹ đẻ của mình.

Tuy chị Hoa về nhà đẻ nhưng bà Tâm vẫn hàng ngày bế ẵm, chăm sóc thằng cháu đích tôn của mình. Thời gian sau đó, được gia đình chồng thuyết phục, chị Hoa đã trở về đoàn tụ với chồng nhưng anh Tú vẫn chứng nào tật ấy, vẫn vô trách nhiệm với vợ con, thi thoảng lại thấy cặp kè với một ai đó. Rồi đến ngày “giọt nước tràn ly”, chị Hoa quyết định ly hôn vơí anh Tú. Vì giữa họ không có tài sản chung, chỉ có một bé trai 5 tuổi, trước tòa, chị nhận nuôi con và anh Tú không có ý kiến gì.

Những tưởng mọi việc như thế là xong, nhưng không ngờ bà nội bé nhất định giữ cháu, không chịu giao bé cho mẹ nó. Cũng bởi việc này mà chị Hoa đã phải long đong nhờ vả hết người này đến người khác nói giúp nhưng đều không có kết quả.

Nhận lời giúp chị Hoa, song trong lòng bà Hà vẫn thấy có gì đó không ổn. Bởi bà biết, bà nội cháu bé được mọi người trong làng nhận xét là người cố chấp, có lối suy nghĩ cổ hủ nên để thuyết phục được bà giao cháu cho mẹ nó sẽ rất khó. Sau vài ngày tìm hiểu, bà Hà nhận thấy có bà Thi là bạn lâu năm của bà Tâm lại am hiểu pháp luật, hiện đang sống ở làng bên, có lẽ là người thích hợp nhất giúp gỡ rối cho chị Hoa.

Nghĩ vậy, bà Hà lập tức tìm đến bà Thi. Là người hiểu luật, khi nghe bà Hà giãi bày, bà Thi nhận lời và tìm lý do đến chơi với bà Tâm. Sau vài lời thăm hỏi thông thường, bà Thi cố ý chạm đến chuyện trông cháu, giữ cháu. Rồi bà Tâm cũng trải lòng với bà bạn, rằng số tôi nó vất vả, trẻ thì lo cho con, giờ già lại phải lo cho cháu. Rằng, bố mẹ nó bỏ nhau, thằng bố nó là người vô trách nhiệm, con mẹ nó thì hiền lành đến ngu ngơ, rốt cuộc thì chỉ khổ cháu tôi, còn tôi lại khổ lây vì chúng.

“Nghe bà than thở tôi thấy thương bà, nhưng tôi cũng lại phải trách bà. Con chúng nó thì chúng nó lo, hà cớ gì mà bà giành lấy để rồi than vãn. Tôi đồng ý với bà là bố nó vô trách nhiệm, nhưng còn mẹ nó đâu có thế. Nó thương con, yêu con nên mới nhận trách nhiệm nuôi con và không đòi hỏi gì. Bà bảo con cháu Hoa nó ngu ngơ, nhưng tôi không nghĩ thế, nó là người hiểu chuyện nên dù bà có ngang ngược nó cũng cố chịu đựng, bởi vậy mà bà bảo nó là ngu ngơ.

Còn nữa, bà thử nghĩ xem, bây giờ bà còn khỏe thì trông được cháu, chứ nay mai ốm yếu thì làm sao, liệu bà có khỏe mãi, có nuôi được nó đến lúc nó trưởng thành không? Con nó dù ở với ai thì nó thì cứ vẫn cứ là cháu nội bà, không thể khác. Pháp luật đã công nhận cho mẹ nuôi con rồi, là bà thì không thể can thiệp được. Nếu bà không nghe tôi, trả con cho mẹ nó thì người ta cũng có cách bắt bà phải trả, khi ấy thì tình cảm mẹ con sẽ chẳng hay ho gì.

Trả con cho mẹ nó, nếu thương cháu, nhớ cháu, bà vẫn có thể đến thăm cháu, hoặc có thể đón và trông cháu giúp mẹ nó thì càng tốt chứ sao”, bà Thi ôn tồn giảng giải.

Nghe lời khuyên chân tình của bạn, bà Tâm như sực tỉnh, bởi lâu nay bà cứ nghĩ, rằng, nếu trả cháu cho mẹ nó thì bà không còn quyền chăm sóc cháu nữa, vì thế mà những ngày qua bà quyết không chịu giao cháu cho mẹ nó. Thế rồi ngay ngày hôm sau đó, bà Tâm nhắn cho mẹ cháu, rằng, hãy đến đón con nếu muốn.

Giao trả cháu cho chị Hoa rồi, bà Tâm còn nhắc chị Hoa “Tôi giao cháu tôi cho chị nhưng không có nghĩa là tôi không được đón cháu về nhà chơi mỗi tuần đấy nhé”.

Từ ngày trả con cho chị Hoa, hễ rảnh rỗi là bà Tâm lại lại đến đón cháu về nhà chơi. Hôm nay cũng vậy, đến giờ tan học bà Tâm đến tận lớp đón cháu về nhà, rồi lại đưa cháu về tận nhà bà ngoại. Cũng từ ngày trả cháu cho mẹ nó, quan hệ giữa bà Tâm và bà An đã cải thiện hơn, không còn “mặt trăng, mặt trời” như trước nữa.

Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, như sau:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con

 Khánh An