HÒA GIẢI CƠ SỞ
Anh Phú đỗ xe trước cửa nhà ông quá lâu, ông Quyền đã lên tiếng mấy lần mà không thấy chủ xe nên “cả giận mất khôn” ông Quyền đã bẻ gãy chiếc gương xe để “cảnh cáo”. Được bác Bàn hòa giải viên phân tích cái đúng cái sai trong việc đậu xe, và hành xử “cả giận mất khôn” của ông Quyền, hai bên đã nhận ra cái đúng và cái sai trong các hành vi của mình và rút kinh nghiệm cho bản thân, con ông Quyền đã chủ động xin lỗi anh Phú, đồng thời thỏa thuận sẽ đền bù cho anh số tiền tương xứng để thay lại chiếc gương xe mới.
Nghe tiếng cãi vã ồn ào ở đầu ngõ, bác Bàn là hòa giải viên của thôn Áng Đông ghé lại hỏi thăm xem có việc gì xảy ra. Đến nơi, bác thấy một nhóm người đứng vây xung quanh chiếc ô tô Hyundai màu trắng trông còn khá mới đã bị vỡ gương. Còn ông Quyền là người trong thôn thì mặt đỏ tía tai đang to tiếng với một người thanh niên chắc từ nơi khác đến.
Vốn là người có uy tín trong khu dân cư, lại là hoà giải viên của thôn, ông nhẹ nhàng khuyên bảo hai bên cố gắng giữ bình tĩnh, từ tốn nói chuyện xem mâu thuẫn bắt nguồn từ đâu. Thì ra, bức xúc của ông Quyền xuất phát từ việc anh thanh niên tên là Phú đến nhà người bạn chơi có dựng xe ô tô ngay trước cửa nhà ông. Từ đầu năm đến giờ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc buôn bán hàng hóa của nhà ông Quyền ế ẩm, vắng khách. Anh Phú lại đỗ xe trước cửa nhà ông quá lâu, ông Quyền đã lên tiếng mấy lần mà không thấy chủ xe nên “cả giận mất khôn” ông đã bẻ gãy chiếc gương xe để “cảnh cáo”. Ông Quyền cho rằng, khoảng không trước cửa nhà cũng thuộc quyền quản lý của mình nên đã đặt biển “cấm” không cho tài xế đỗ xe mà anh Phú vẫn cố tình “vi phạm”. Còn anh Phú, khi thấy xe bị vỡ gương và xem lại camera, biết ông Quyền là người bẻ gương, anh đã bắt bồi thường 3 triệu đồng. Hai bên không ai chịu ai, ai cũng cho mình có lý nên dẫn đến cãi vã, xô xát.
Là hòa giải viên, lại am hiểu các quy định của pháp luật, ông Bàn đã vận dụng các quy định của pháp luật vào quá trình hoà giải, cụ thể:
Việc ông Quyền cho rằng, khoảng không trước nhà ông cũng thuộc quyền quản lý của ông là không đúng. Vận dụng theo khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: Bên trái đường một chiều; Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, gầm cầu vượt; Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; Nơi dừng của xe buýt; Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức…” Do vậy, nếu đoạn đường không cấm đỗ thì người đậu xe ở đó không vi phạm luật.
Về phía anh Phú là người điều khiển phương tiện cần nắm rõ: việc dừng xe, đỗ xe phải thực hiện theo điều 19 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:“1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét. 2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.” Việc anh Phú đỗ xe lâu trước cửa nhà ông Việt trong khi nhà ông có cửa hàng kinh doanh cho dù đây không phải là đoạn đường cấm thì anh cũng cần lưu ý, rút kinh nghiệm.
Ông Bàn phân tích tiếp: Về phía ông Quyền, trong trường hợp ông cho rằng chủ xe đỗ sai nơi quy định, căn cứ theo Khoản 2 điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có định cụ thể mức phạt đối với từng hành vi vi phạm; theo đó, tùy trường hợp vi phạm mà người vi phạm có thể bị áp dụng mức phạt tiền từ 400 nghìn đến 600 nghìn đồng; trường hợp ô tô dừng xe, đỗ xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông có thể bị xử phạt ở mức cao nhất từ 10 triệu đến 12 triệu đồng.
Việc ông nóng nảy “cả giận, mất khôn” đập vỡ chiếc gương xe là hành vi vi phạm pháp luật, đó là huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân tài sản có thể bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự. Ông Bàn còn phân tích về tình, nếu việc “cả giận, mất khôn” này khiến chủ xe nóng giận không kiềm chế được có thể xảy ra xô xát, đánh nhau, vi phạm lại thêm chồng vi phạm, hậu quả khôn lường.
Sau khi nghe ông Bàn phân tích, vận dụng các quy định của pháp luật vào quá trình hoà giải, cộng với phân tích cái đúng cái sai trong việc đậu xe, và hành xử “cả giận mất khôn” của ông Quyền, hai bên đã nhận ra cái đúng và cái sai trong các hành vi của mình và rút kinh nghiệm cho bản thân, con ông Quyền đã chủ động xin lỗi anh Phú, đồng thời thỏa thuận sẽ đền bù cho anh số tiền tương xứng để thay lại chiếc gương xe mới, sau đó hai bên vui vẻ cảm ơn ông Bàn vì nhờ ông mà 2 bên đã hoà giải được mâu thuẫn, rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình.
Kết quả vụ việc hoà giải thành. Những người cùng chứng kiến câu chuyện cũng rút ra cho mình thêm một bài học về cách đối nhân, xử thế trong cuộc sống, cộng với sự am hiểu pháp luật giúp cho mọi mâu thuẫn được giải quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo công bằng cho xã hội.
Nguyễn Thị Hương - huyện Ba Vì
trao đổi kinh nghiệm
- Cảnh báo các trang facebook giả mạo “Liên đoàn Pickleball Việt Nam” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Cảnh giác với “chiêu trò” lừa đảo việc làm thời vụ cuối năm
- Người phụ nữ bị lừa khi đăng ký khóa học Pickleball cho con trên mạng
- Cảnh giác với chiêu trò bán vé chương trình 'Anh trai say hi' qua hội nhóm