HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất, buôn bán giống cây trồng
Ngày đăng 19/11/2024 | 14:36  | Lượt xem: 146

Công ty tôi đang làm thủ tục đăng ký hoạt động sản xuất, buôn bán giống cây trồng. Để vận hành hoạt động của Công ty sau khi được cấp phép, Công ty muốn biết về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất, buôn bán giống cây trồng theo quy định hiện nay. Nhờ quý cơ quan giải đáp

Công ty tôi đang làm thủ tục đăng ký hoạt động sản xuất, buôn bán giống cây trồng. Để vận hành hoạt động của Công ty sau khi được cấp phép, Công ty muốn biết về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất, buôn bán giống cây trồng theo quy định hiện nay. Nhờ quý cơ quan giải đáp

Trả lời:

- Tại khoản 5 Điều 2 Luật Trồng trọt năm 2018 quy định:

“5. Giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.”

- Tại Điều 35 Luật Trồng trọt năm 2018 quy định về “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng” như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng có quyền sản xuất, buôn bán giống cây trồng khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 22 của Luật này;

b) Thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy theo quy định của pháp luật;

c) Thu hồi, xử lý giống cây trồng không bảo đảm chất lượng khi lưu thông trên thị trường;

d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

đ) Cung cấp tài liệu minh chứng về nguồn gốc vật liệu nhân giống, tài liệu truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng;

e) Thực hiện dán nhãn đối với giống cây trồng biến đổi gen theo quy định của pháp luật.”

- Tại Điều 22 Luật Trồng trọt năm 2018 quy định về “Điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng” như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;

b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

2. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

- Tại Điều 8 Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác quy định chi tiết điều kiện về sản xuất, buôn bán giống cây trồng như sau:
“Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật Trồng trọt và một số quy định chi tiết sau đây:

1. Trước khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

2. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định tại Nghị định này.
Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.”

Như vậy, doanh nghiệp sản xuất, buôn bán giống cây trồng có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 35 Luật Trồng trọt năm 2018 như dẫn chiếu ở trên.

Phan Anh