HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có bị phạt tiền không?
Ngày đăng 23/07/2024 | 16:27  | Lượt xem: 130

Công ty chúng tôi mới được thành lập và đang nghiên cứu thực hiện các chế độ chính sách về bảo hiểm cho người lao động. Chúng tôi muốn biết trường hợp Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có bị phạt tiền không?

Công ty chúng tôi mới được thành lập và đang nghiên cứu thực hiện các chế độ chính sách về bảo hiểm cho người lao động. Chúng tôi muốn biết trường hợp Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có bị phạt tiền không? Nếu có thì mức phạt tối đa là bao nhiêu? Nhờ cơ quan giải đáp

Trả lời

-Tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

-Tại khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

-Tại điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:

Điều 39. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

-Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:

Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này  là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25 ; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42 ; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Căn cứ các quy định trên thì trường hợp doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 24% đến 30% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng

Thanh Quý