GÓC NHÌN
Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 Nghị quyết để sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giảm 3.437 cơ quan cấp xã và 429 cơ quan cấp huyện; tinh giản biên chế; giảm chi ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững.
Sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở những địa phương (cấp huyện, cấp xã) thực hiện sắp xếp đều được kiện toàn và bảo đảm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, không phát sinh khiếu nại, tố cáo do việc sắp xếp ĐVHC.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp. Ảnh: Bộ Tư pháp
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC; chất lượng đô thị chưa bảo đảm theo quy định; việc sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc, tài sản công của cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp chưa hiệu quả; công tác hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với các ĐVHC mới được thành lập chưa kịp thời...
Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là cần thiết nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tại phiên họp, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định về việc chỉ yêu cầu đáp ứng 50% tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị của loại đô thị hiện có vì sẽ làm giảm chất lượng đô thị, chưa phù hợp với Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 cũng như kết quả giám sát chuyên đề của UBTVQH năm 2022; rà soát, xác định lại thẩm quyền đánh giá tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị.
Về vấn đề nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị, cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với quy định của các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện Bộ Xây dựng đề xuất cân nhắc quy định đơn vị hành chính cấp huyện có từ 50% đơn vị hành chính cấp xã trở lên được công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; làm rõ nguồn kinh phí xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và kinh phí thực hiện các nhiệm vụ sau khi sắp xếp...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, cần có những cơ chế, chính sách, tiêu chí phù hợp với đặc thù địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn tới.
Đồng thời, Ban soạn thảo cần bổ sung đánh giá chi tiết tác động của chính sách đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các đối tượng khác có liên quan về các mặt kinh tế, xã hội, vấn đề giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật.
Bảo Khánh
thông báo
- Tài liệu Hội nghị phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Tiếp cận thông tin (8h00 ngày 30/5/2023)
- Cuộc thi hoà giải viên giỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- Quyết định về việc thành lập Ban Tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và Dịch vụ công trực tuyến" trên địa bàn thành phố Hà Nội
trao đổi kinh nghiệm
- Hướng dẫn xác nhận trực tuyến giãn chu kỳ kiểm định trực tuyến xe ô tô đến 9 chỗ
- Cảnh giác đối tượng mạo danh công an mời mua vật phẩm phòng cháy
- Bộ Công an khuyến cáo người dân các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em và cứu người bị đuối nước
- Bộ Công an khuyến cáo người dân các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi xảy ra cháy xe ô tô, xe máy