GÓC NHÌN

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua
Ngày đăng 20/11/2023 | 17:01  | Lượt xem: 51

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó, với đề nghị làm rõ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cùng cấp và sự phân công, hướng dẫn, kiểm tra của Công an cấp xã, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, ý kiến của đại biểu là rất xác đáng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và lực lượng thực hiện nhiệm vụ này đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền.

Bảo vệ an ninh trật tự là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt, chủ trì và chịu trách nhiệm trước chính quyền trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện. Lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm giúp chính quyền cùng cấp quản lý về tổ chức, hoạt động, chỉ đạo, điều hành các lực lượng quần chúng tham gia; trực tiếp phân công, hướng dẫn, kiểm tra các lực lượng quần chúng tham gia để việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự được thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Do đó, dự thảo Luật được chỉnh lý xác định rõ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự lãnh đạo “toàn diện” của cấp ủy Đảng, sự quản lý, “chỉ đạo, điều hành” của Ủy ban nhân dân cấp xã…

Liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nghiên cứu, rà soát, bổ sung một số nhiệm vụ độc lập phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhằm phát huy tối đa vai trò của lực lượng này; xác định rõ trách nhiệm liên đới của Công an cấp xã là: “Công an cấp xã chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật”.

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định độ tuổi tối đa để bảo đảm điều kiện sức khỏe thực hiện nhiệm vụ; đề nghị cân nhắc quy định về tiêu chuẩn văn hóa để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia là từ đủ 18 tuổi đến 70 tuổi, trường hợp từ 70 tuổi trở lên mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã; chỉnh lý quy định trình độ văn hoá là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học…

Đối với đề nghị quy định tiêu chuẩn là “không có tiền án, tiền sự”, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, nếu quy định tiêu chuẩn “không có tiền án, tiền sự” sẽ không đúng với quy định của pháp luật hình sự về trường hợp đã được xóa án tích và pháp luật Xử lý vi phạm hành chính về trường hợp hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính; đồng thời chưa phù hợp với thực tế.  

Đối với nội dung về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, với việc hình thành Tổ bảo vệ an ninh trật tự và dự tính kinh phí thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận, nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nhất trí cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự án Luật có kết cấu gồm 5 chương 34 Điều,  đã đảm bảo tính hoàn chỉnh, thể hiện quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng và đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Mai Chi